Người dân tập trung tại hiện trường vụ lở đất tại làng Mulitaka ở vùng Maip Mulitaka, tỉnh Enga, Papua New Guinea vào ngày 26/5 (Ảnh: AFP)
Con số do Chính phủ Papua New Guinea công bố cao hơn khoảng 3 lần so với ước tính của Liên hợp quốc là 670 người thiệt mạng vì lở đất. Cho đến nay, chỉ có 6 người được tìm thấy hài cốt.
Yambali - ngôi làng nhộn nhịp trước đây ở tỉnh Enga - gần như bị xóa sổ khi một phần của ngọn núi Mungalo sụp đổ vào sáng sớm 24/5 (theo giờ địa phương), chôn vùi nhiều ngôi nhà và những người đang ngủ ở trong nhà.
Người dân đào bới tìm kiếm thi thể nạn nhân tại địa điểm xảy ra vụ lở đất ở làng Yambali thuộc vùng Maip Mulitaka, tỉnh Enga của Papua New Guinea (Ảnh: AFP)
Trong một lá thư gửi tới điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc đề ngày 26/5, quyền Giám đốc Trung tâm Thảm họa Quốc gia Papua New Guinea cho biết vụ lở đất "đã chôn sống hơn 2.000 người" và gây ra sự "tàn phá lớn".
Theo hãng thông tấn AFP, vụ lở đất đã dẫn tới "tình trạng phá hủy nghiêm trọng đối với các tòa nhà, vườn cây lương thực và gây ra tác động lớn đến huyết mạch kinh tế của quốc đảo Nam Thái Bình Dương này".
Máy xúc tham gia công tác cứu hộ tại địa điểm xảy ra vụ lở đất tại làng Yambali, ngày 26/5 (Ảnh: AFP)
Bức thư cũng cho biết đường cao tốc chính dẫn đến mỏ vàng Porgera đã "hoàn toàn bị phong tỏa".
Ước tính về số người thương vong đã thay đổi rất nhiều kể từ khi thảm họa xảy ra. Hiện chưa có thông tin về số người dân bị ảnh hưởng bởi lở đất được điều chỉnh.
Hơn 2.000 người được cho là đã thiệt mạng sau vụ lở đất lớn ở Papua New Guinea (Ảnh: AFP)
Hôm 27/5, Australia đang chuẩn bị cử máy bay và các thiết bị đến hỗ trợ Papua New Guinea tại địa điểm lở đất, khi những cơn mưa trút xuống trong đêm ở khu vực miền núi của quốc gia này làm dấy lên lo ngại rằng hàng tấn gạch vụn chôn vùi dân làng có thể trở nên bất ổn một cách nguy hiểm. Được biết, Papua New Guinea là nước láng giềng gần nhất của Australia.
Ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Papua New Guinea - ông Billy Joseph - và Giám đốc Trung tâm Thảm họa Quốc gia nước này - ông Laso Mana - đã bay trên một chiếc trực thăng quân sự của Australia từ thủ đô Port Moresby đến làng Yambali để có cái nhìn trực tiếp về những gì đang xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!