Trước tình hình này, Liên hợp quốc đã kêu gọi viện trợ từ các quốc gia, đồng thời yêu cầu những phe phái tại Libya đảm bảo khả năng tiếp cận cứu trợ.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi giới chức Libya lo ngại, số trường hợp thiệt mạng sau trận lũ do cơn bão Daniel đổ bộ vào miền Đông Libya hôm 10/9 vừa qua có thể lên tới 20.000 người bởi vẫn có khoảng 10.000 người bị mất tích.
Thị trưởng Derna cũng lo ngại, cư dân ở thành phố này sẽ bị nhiễm dịch bệnh do số lượng lớn thi thể bị chôn vùi dưới đống đổ nát và dưới nước. Nhu cầu chôn cất thi thể để tránh lây lan dịch bệnh tăng cao đến mức hàng trăm người được chôn tập thể trong một ngôi mộ.
Hiện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Libya đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, ông Volker Türk đã kêu gọi viện trợ từ các quốc gia: "Tôi kêu gọi giới chức ở Libya vượt qua các vấn đê bế tắc để tập trung hành động giúp người dân được tiếp cận cứu trợ kịp thời, đặc biệt là nhóm người dễ bị ảnh hưởng nhất cần nhận được sự quan tâm và bảo vệ".
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, một lô hàng gồm 29 tấn vật tư y tế và khẩn cấp đã đến thành phố Benghazi của Libya vào ngày 16/9.
Theo đánh giá, thành phố Derna gần như đã bị tàn phá khoảng 1/4 diện tích, nhiều nhà cửa, công trình, phương tiện đã bị cuốn trôi theo cơn lũ.
Trận lũ lụt lịch sử tại Libya được hình thành từ cơn bão Daniel. Trước khi tấn công quốc gia này, cơn bão đã tàn phá khắp vùng Địa Trung Hải. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, do tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng, những cơn bão tương tự sẽ có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trong tương lai. Vì vậy, không chỉ Libya mà các quốc gia khác cũng cần có phương án dự phòng để kịp thời ứng phó trước thời tiết cực đoan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!