Các cuộc thảo luận về vòng trừng phạt chống Nga lần thứ 12 của EU đã bị đình trệ do Hungary hoàn toàn phản đối gói trừng phạt này, một phóng viên của phương tiện truyền thông nhà nước Mỹ RFE/RL tuyên bố hôm 17/11.
Theo báo The Guardian, gói trừng phạt mới nhất của EU bao gồm các hạn chế đối với hàng chục cá nhân, trong đó có con trai của cựu Tổng thống Nga, đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev, và một người họ hàng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đề xuất lệnh trừng phạt này cũng bao gồm các biện pháp cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn thu thương mại của Moscow. Đặc biệt, chúng bao gồm lệnh cấm hoàn toàn việc bán kim cương và đồ trang sức của Nga được làm bằng đá từ những mỏ Siberia ở các quốc gia EU, dự kiến sẽ khiến Nga thiệt hại hơn 4,5 tỷ Euro (4,91 tỷ USD) mỗi năm, The Guardian đưa tin.
Theo một tuyên bố từ Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS), cùng với tất cả các hạn chế được đề cập, EU cũng đề xuất "các hành động nhằm thắt chặt trần giá dầu và chống lại việc lách các lệnh trừng phạt từ EU của Nga".
Bình luận về chính sách trừng phạt Nga của EU, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 15/11 cho biết, Moscow đã thích nghi với các hạn chế trừng phạt trong nhiều năm và sẽ tiếp tục làm như vậy. Bà Zakharova gọi các biện pháp chống Nga là "một đòn giáng chưa từng có đối với các nước EU, do chính các quan chức EU thực hiện".
Kể từ khi cuộc xung đột kéo dài trong nhiều năm giữa Nga - Ukraine chuyển thành xung đột quân sự vào tháng 2/2022, Brussels đã thực hiện 11 gói trừng phạt đối với Moscow. Số lượng các lệnh hạn chế đã lên tới hàng chục nghìn, dù các quan chức ở EU và Mỹ nhiều lần thừa nhận tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối với Nga chưa được như mong đợi. Những biện pháp này nhắm vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc gia Nga, các tổ chức tài chính và thương mại, cũng như đưa vào danh sách đen hàng trăm cá nhân và pháp nhân Nga.
Nhiều nhà kinh tế trên toàn thế giới đã nhiều lần chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã không đạt được mục tiêu theo tuyên bố, đó là gây bất ổn cho Nga và sức khỏe tài chính của nước này. Theo Bộ Tài chính Nga, ban đầu nền kinh tế nước này bị suy thoái do các hạn chế, nhưng hiện tại kinh tế Nga đã phục hồi phần lớn sau khi chuyển hướng thương mại sang phương Đông.
EU xem xét mở rộng trừng phạt Nga VTV.vn - Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay đã áp đặt 11 gói hạn chế đối với Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. | Hungary dọa phủ quyết lệnh trừng phạt Nga VTV.vn - Hungary sẽ phủ quyết mọi biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu nhắm vào năng lượng hạt nhân của Nga, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố hôm 25/9. | G7 lên kế hoạch mới trừng phạt Nga VTV.vn - Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang lên kế hoạch thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh G7. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!