Cảnh sát hộ tống chiếc xe chở vật thể được cho là mảnh vỡ nghi là của máy bay MH370 ra khỏi sân bay. (Ảnh: AFP)
Mảnh vỡ vừa được phát hiện tại đảo Reunion đã được vận chuyển tới Pháp. Nó sẽ được đưa tới một phòng thí nghiệm của Bộ Quốc phòng Pháp gần thành phố Toulouse để phân tích. Mọi manh mối hiện giờ tập trung vào việc phân tích mảnh vỡ mới được tìm thấy.
Nhiều chuyên gia tin tưởng rằng đây là một bộ phận của máy bay Boeing 777, cùng loại với chiếc máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia.
Ông Warren Truss, Phó Thủ tướng Australia nói: “Đây chỉ là một bộ phận nhỏ của chiếc máy bay, nhưng đó cũng có thể là một bằng chứng quan trọng”.
Mảnh vỡ đã được phát hiện tại đảo Reunion ở phía Tây Ấn Độ Dương, cách khu vực mà lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm hơn 800 km. Australia cho rằng, vị trí tìm thấy mảnh vỡ cũng đúng với mô hình mà các nhà khoa học nước này đã tính toán trước đó. Theo đó, thủy triều và sóng biển có thể sẽ khiến các mảnh vỡ của MH370 trôi dạt tới khu vực quanh đảo Reunion.
Hiện, các điều tra viên của Australia đang xem xét những mảnh vỏ sò bám trên mảnh vỡ để xác định xem liệu nó đã trôi nổi trong nước biển bao lâu.
Trong khi đó các nhà điều tra của Pháp sẽ làm việc với chuyên gia của Boeing để xác định mảnh vỡ này là bộ phận nào của máy bay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây có thể là "cánh lái phối hợp tên lửa" được gắn bên cánh phải của Boeing 777. Những hình ảnh về mảnh vỡ cho thấy, phần phía trước của nó bị hư hại nhẹ và có một số vết răng cưa nằm ngang ở phía sau.
Dựa trên những hình ảnh này, nhiều giả thuyết đã được đưa ra, trong đó phần lớn nghiêng về khả năng bộ phận này đã bị rơi ra khi máy bay đang ở trên không. Đáng chú ý, có giả thuyết cho rằng có khả năng máy bay đã hạ độ cao nhanh và liên tục khiến bộ phận "cánh lái phối hợp tên lửa" bị rơi ra. Do đó, những vết hình răng cưa ở phía sau mảnh vỡ là do tác động của một tổng lực, hơn là bị hư hại do va chạm với mặt nước.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.