IAEA cho biết đã ghi nhận hơn 4.200 vụ đánh cắp hoặc các vụ việc khác liên quan trong 30 năm qua.
Theo IAEA, trong năm 2023, có tổng cộng 168 vụ tại 31 nước, tương đương mức trung bình trong lịch sử. Trong số này có 6 vụ có thể liên quan đến buôn bán hoặc sử dụng mục đích xấu.
Kể từ năm 1993, có 4.243 vụ trong đó có 350 vụ có liên quan hoặc có thể có liên quan đến buôn bán hoặc sử dụng mục đích xấu.
IAEA nhận thấy số vụ có liên quan đến vật liệu hạt nhân như uranium, plutonium và thorium có giảm, tuy nhiên vật liệu nguy hiểm vẫn dễ bị mất mát, đặc biệt trong quá trình vận chuyển.
Thống kê cho thấy 145 nước vừa thông báo với IAEA về các vụ liên quan đến vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác bị mất, bị đánh cắp, bị loại bỏ không đúng quy trình. Nhiều chất phóng xạ được sử dụng trong bệnh viện, các trường đại học và công nghiệp trên thế giới.
Theo IAEA, quan ngại lớn nhất là các phần tử cực đoan có thể có được các vật liệu này và sử dụng chúng trong "bom bẩn" - thường phát tán vật liệu phóng xạ. Mặc dù thiệt hại vật chất và con người do "bom bẩn" không lớn như bom nguyên tử, song, "bom bẩn" vẫn có thể gây hoảng loạn lớn ở khu vực đô thị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!