Người dân Ukraine nhận cứu trợ nhân đạo. (Ảnh: Anadolu Agency)
Theo IMF, gói viện trợ trên sẽ giúp Ukraine đáp ứng "những nhu cầu cấp bách về cán cân thanh toán, đồng thời đóng vai trò xúc tác cho các khoản hỗ trợ tài chính trong tương lai từ các chủ nợ và nhà tài trợ của Ukraine".
Đánh giá cuộc xung đột hiện nay gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Ukraine, IMF dự báo: "Quy mô và cường độ cuộc chiến của Nga tại Ukraine bắt đầu từ hơn 7 tháng trước đã gây mất mát lớn về người và kinh tế. GDP thực tế năm 2022 dự kiến giảm 35% so với 2021 và nhu cầu tài chính vẫn rất lớn".
IMF cho rằng giới chức Ukraine "xứng đáng nhận được khoản tín dụng đáng kể vì duy trì mức độ ổn định tài chính vĩ mô quan trọng trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn".
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gói hỗ trợ mới trị giá 530 triệu USD để giải quyết những nhu cầu cấp thiết ở Ukraine. Gói viện trợ cho Ukraine được chuyển dưới dạng khoản vay từ Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD). Chính phủ Anh bảo lãnh cho Ukraine 500 triệu USD, số còn lại được Đan Mạch bảo lãnh.
Ngân hàng Thế giới cho biết đã huy động gần 13 tỷ USD viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và giải ngân được 11 tỷ USD.
Quốc hội Mỹ hồi cuối tháng 9 thông qua gói viện trợ mới trị giá 12,3 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm 3,7 tỷ USD trang thiết bị quân sự. Mỹ đã trao 65 tỷ USD cho Kiev từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hồi tháng 2.
Đầu tháng 9 vừa qua, Chính phủ Ukraine, Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo cho thấy, chi phí tái thiết ở Ukraine ước tính lên tới 349 tỷ USD, trong đó thiệt hại gián tiếp của nền kinh tế do gián đoạn sản xuất và thương mại là khoảng 252 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!