Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin giải thích, điểm khác biệt giữa xét nghiệm PCR thông thường và xét nghiệm PCR xác định SGTF (xác định biến thể lây nhiễm) nằm ở thuốc thử đặc biệt. Cụ thể, kỹ thuật SGTF tập trung vào gene S, trong khi xét nghiệm PCR thông thường chỉ tập trung vào gene N và gene ORF.
Bộ Y tế Indoneisa đang hợp tác với các trường đại học để sản xuất những sản phẩm trong nước và hy vọng, trong vòng chưa đầy ba tháng nữa sẽ phát triển được thuốc thử dùng trong xét nghiệm biến thể Omicron (xét nghiệm SGTF).
Hiện Bộ Y tế Indonesia đã chuyển một số bộ dụng cụ xét nghiệm SGTF tới các địa điểm nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển hoặc đường không trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu tốc độ lây lan của biến thể Omicron tại Indonesia.
Ông Budi nhấn mạnh rằng, kỹ thuật xét nghiệm SGTF chỉ mất 4 - 6 giờ và vài trăm nghìn Rupiah (hơn 14.000 Rupiah đổi được 1 USD). Trong khi đó, việc giải trình tự bộ gene (WGS) mất tới 5-6 ngày và tốn hàng triệu Rupiah cho mỗi xét nghiệm.
Kỹ thuật xét nghiệm SGTF chỉ mất 4 - 6 giờ với giá thành rẻ. (Ảnh: Reuters)
Cùng ngày, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng cường xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh sau khi một ca nhiễm biến thể Omicron lọt khỏi địa điểm cách ly tập trung Wisma Atlet ở Jakarta.
Bộ trưởng Budi cho biết, trước đây người nhập cảnh vào Indonesia được xét nghiệm PCR hai lần. Hiện số lần xét nghiệm bắt buộc là ba lần trong quá trình cách ly bắt buộc.
Ông Budi cho biết, một công dân Indonesia nhập cảnh từ Anh có kết quả xét nghiệm dương tính lần một, âm tính lần hai và được cho phép về nhà tự cách ly. Tuy nhiên, 5 ngày sau, kết quả giải trình tự gene (WGS) cho thấy, người này bị nhiễm biến thể Omicron.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan khẳng định, do sự cố trên, Chính phủ Indonesia sẽ siết chặt công tác cách ly để sự việc này không tái diễn.
Hiện Indonesia đang bắt buộc công dân nước này và khách du lịch nhập cảnh phải trải qua thời gian cách ly kéo dài 10 ngày tại các cơ sở lưu trú hoặc địa điểm cách ly được chỉ định.
Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận 46 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó trường hợp mắc đầu tiên được công bố vào ngày 16/12, là một nhân viên vệ sinh thuộc Bệnh viện cấp cứu COVID-19 Wisma Atlet ở Jakarta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!