Indonesia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc/ngày, số người nhiễm mới tại các nước ĐNÁ tăng cao

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ sáu, ngày 09/07/2021 06:01 GMT+7

Hơn 186,1 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 9/7, thế giới có trên 186,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,02 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,6 triệu ca mắc và hơn 622.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 11.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 8/7, nước này ghi nhận hơn 34.400 ca mắc mới COVID-19 và 470 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,7 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 405.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất châu lục và thứ hai thế giới. Tuy nhiên, so với tháng 5 và 6 vừa qua, số ca mắc theo ngày tại nước này chỉ còn 1/10 so với thời điểm hơn 400.000 người nhiễm/ngày và trên 5.000 trường hợp tử vong/ngày. 

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 528.600 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18,9 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Giới chức Pháp cảnh báo, biến thể Delta có thể phá hỏng mùa hè nếu làn sóng dịch thứ 4 ở nước này bùng phát. Trong 3 tuần vừa qua, mỗi tuần số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Delta gây ra lại tăng gấp đôi ở Pháp. Và hiện biến thể nguy hiểm này đã chiếm 40% số ca mắc mới COVID-19 ở nước này. Tỷ lệ mắc bệnh cũng đang tăng lên ở 11 khu vực đô thị của nước Pháp. Chính phủ Pháp tuần sau sẽ họp để bàn về tất cả các tình huống có thể xảy ra và phương pháp ứng phó.

Bộ Y tế Bỉ đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNtech cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi trên cơ sở tự nguyện và được sự cho phép của bố mẹ. Hội đồng Y tế Bỉ nhấn mạnh, virus SARS-CoV-2 ít gây ra các trường hợp nhiễm bệnh nặng ở thanh thiếu niên, tuy nhiên đối tượng này lại là trung gian lây truyền virus. Do đó, cần phải hạn chế tác nhân lây bệnh, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là khi biến thể Delta dễ lây lan hơn. Đó là lý do phải tiêm chủng cho thanh thiếu niên với lợi ích chính là bảo vệ cộng đồng.

Trước đó, ngày 28/5, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi tại 27 quốc gia thành viên. Một nghiên cứu lâm sàng trên hơn 2.200 trẻ em ở nhóm tuổi này cho thấy, vaccine COVID-19 đã chứng minh hiệu quả trong việc tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Cùng ngày, bang New South Wales của Australia thông báo số ca nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay. Cụ thể, bang New South Wales đã ghi nhận 38 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cao hơn 9 ca so với với 1 ngày trước đó. Số ca nhiễm mới tại bang này gia tăng chỉ 2 tuần sau khi Sydney, thành phố lớn nhất Australia, áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gặp Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc Nội các để thảo luận việc bùng phát dịch COVID-19 tại New South Wales. Theo ông Morrison, Sydney đang ở thời điểm then chốt trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2, đồng thời hối thúc người dân tại thành phố Sydney tuân thủ những hạn chế phong tỏa.

Indonesia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc/ngày, số người nhiễm mới tại các nước ĐNÁ tăng cao - Ảnh 1.

Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, đóng cửa trong tuần thứ 3. (Ảnh: AP)

Ngày 8/7, Israel đã ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân tử vong trong ngày do COVID-19, sau hơn 2 tuần số ca tử vong tại nước này không tăng thêm. Bệnh nhân thứ nhất 48 tuổi, tử vong tại bệnh viện Wolfson ở quận Holon thuộc Tel Aviv. Bệnh nhân này chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 và không có bệnh nền nào ngoài chứng huyết áp cao. Ca thứ hai 86 tuổi, qua đời tại bệnh viện Rambam ở thành phố Haifa thuộc miền Bắc Israel, mặc dù đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Israel đang đứng trước nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới sau khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng số ca mắc mới tại nước này. Ngày 8/7, đã có thêm 611 ca mắc mới ở nước này, đưa tổng số bệnh nhân đang điều trị tăng lên 3.870 người. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao đã giúp số ca tử vong hoặc bị biến chứng nghiêm trọng tăng rất chậm. Theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Israel, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tại quốc gia này đã có 6.432 ca tử vong trong tổng số gần 845.000 người mắc COVID-19.

Số ca nhiễm ở châu Á cao nhất thế giới (hơn 57 triệu ca), vượt xa số ca nhiễm ở khu vực đứng thứ hai là châu Âu (48 triệu ca). Ngày 8/7, số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia là 852 bệnh nhân. Trong khi đó, số ca mắc mới theo ngày cũng ở mức cao kỷ lục với 38.391 ca, ngày thứ hai liên tiếp số người nhiễm mới tại Indonesia vượt mức 30.000 trường hợp/ngày. Số ca nhiễm mới tại Indonesia tăng chóng mặt trong thời gian gần đây là do khả năng lây lan mạnh của biến thể Delta. Tình trạng quá tải bệnh viện và nguồn cung oxy cạn kiệt đang xuất hiện ở nhiều nơi ở Indonesia.

Trước diễn biến dịch phức tạp, Chính phủ nước này đã quyết định gia hạn các biện pháp nghiêm ngặt đến ngày 20/7, như nhân viên không thiết yếu làm việc tại nhà, giới hạn giờ hoạt động của các cửa hàng, nhà hàng.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Singapore, không nên chạy, bơi lội và các hoạt động thể thao cường độ mạnh khác trong vòng một tuần sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt đối với thanh thiếu niên và nam giới dưới 30 tuổi. Khuyến cáo trên được đưa ra khi một thanh niên 16 tuổi ở nước này bị ngừng tim sau khi nâng tạ, thời điểm chỉ một tuần sau khi tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên.

Sau vụ việc trên, các phòng tập và câu lạc bộ thể thao tại Singapore đã tăng cường triển khai các biện pháp nhằm nhắc nhở các thành viên tham gia. Mặc dù vậy các chuyên gia y tế Singapore nhấn mạnh, lợi ích của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn cao hơn các rủi ro.

Ngày 8/7, Malaysia ghi nhận thêm 8.868 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đưa tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 808.658 ca. Trong số các địa phương, bang Selangor tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca nhiễm mới với 4.152 người, mức cao nhất từ trước tới nay. Tiếp theo là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur (1.133) và bang Nigeri Sembilan (897). Như vậy, trong nửa tháng trở lại đây, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Malaysia liên tục tăng, từ mức hơn 5.000 người lên 6.000 bệnh nhân, rồi 7.000 ca và 8.000 trường hợp. Đáng chú ý, thời gian chuyển qua cột mốc mới dần ngắn lại, ví dụ từ mức 6.000 ca lên 7.000 ca mất 7 ngày, nhưng chỉ cần 2 ngày số ca nhiễm mới đã vượt lên mốc 8.000 trường hợp.

Thái Lan ngày 8/7 đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát với 75 người thiệt mạng. Bộ Y tế Thái Lan cho biết, đây là lần thứ 2 trong tháng 7, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lập mốc mới, vượt ngưỡng 61 ca được thiết lập vào ngày 2/7. Như vậy, cho đến nay, Thái Lan đã có 2.462 người tử vong kể từ khi dịch bùng phát, trong đó có tới 2.368 ca tử vong trong làn sóng dịch thứ 3 bùng phát từ tháng 4 đến nay. Cũng trong 24 giờ qua, Thái Lan có thêm 7.058 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại nước này lên 308.230 trường hợp.

Indonesia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc/ngày, số người nhiễm mới tại các nước ĐNÁ tăng cao - Ảnh 2.

Ngày 8/7, số ca tử vong/ngày cao kỷ lục tại Thái Lan với 75 người. (Ảnh: AP)

Biến thể Delta đang là nguyên nhân chính khiến số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Thái Lan tăng nhanh. Theo Bộ Y tế Thái Lan, 52% số người mắc mới hiện nay tại Bangkok là do biến thể Delta và biến thể này cũng được ghi nhận tại gần 50 tỉnh thành khác. Với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, giới chức Thái Lan không loại trừ khả năng số ca mắc mới ở nước này có thể sẽ tăng lên 10.000 trường hợp mỗi ngày trong tuần tới.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt với mức tăng gần 1.000 ca/ngày trong nhiều ngày qua, gây khó khăn rất lớn cho hệ thống y tế nước này. Bộ Y tế Campuchia ra ngày 8/7 cho biết, trong ngày qua, nước này có thêm 954 ca mắc mới, trong đó có 136 trường hợp nhập cảnh. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu mùa dịch là 58.057 ca, trong đó 50.020 người đã khỏi bệnh và 825 bệnh nhân tử vong.

Để khoanh vùng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, các tỉnh của Lào đã ra lệnh phong tỏa một số địa phương báo cáo có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, chính quyền tỉnh Vientiane đang phong tỏa nhiều bản thuộc huyện Phonhong liên quan đến chuỗi lây nhiễm trong đầu tháng 7 này, đồng thời thiết lập các điểm cách ly mới để tiếp nhận người bệnh hoặc giám sát y tế người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Sau khi ghi nhận 1 ca lây nhiễm tại huyện Khongsedon, tỉnh Salavan đã phong tỏa một số bản có nguy cơ cao tại huyện này đến ngày 31/7. Theo đó, người dân không được đi lại tự do, cửa ngõ mỗi địa phương cũng có điểm kiểm soát lưu động để giám sát việc thực hiện phòng chống dịch. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.469 ca nhiễm, trong đó 3 người tử vong.

Ngày 8/7, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa Olympic Tokyo sẽ khai mạc. Đây là lần thứ 4 Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở thành phố này. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Tokyo đang đứng trước nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5. Ngày 7/7, thành phố này ghi nhận thêm 920 ca mắc mới, tăng 206 ca so với một tuần trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 13/5, số ca mắc mới ở Tokyo tăng vượt ngưỡng 900 ca/ngày và là ngày thứ 18 liên tiếp số ca mắc mới tăng.

Tình trạng khẩn cấp lần này dự kiến sẽ có hiệu lực trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo và kéo dài tới ngày 22/8, hai ngày trước thời điểm khai mạc Paralympic Tokyo.

Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) thông báo sẽ gia hạn các hạn chế COVID-19 thêm 2 tuần, đến ngày 26/7. Tuy nhiên, nhà chức trách Đài Loan cũng sẽ nới lỏng một số hoạt động như tới công viên, viện bảo tàng hay đi xem phim. Các cơ sở kinh doanh ăn, uống có thể phục vụ lại khách hàng trong nhà nếu họ đáp ứng được các quy định, trong đó có duy trì giãn cách ít nhất 1,5m.

Hơn 4.000 nhà khoa học, chuyên gia y tế lên án kế hoạch mở cửa trở lại  của Chính phủ Anh Hơn 4.000 nhà khoa học, chuyên gia y tế lên án kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ Anh Giảm 69% nguy cơ nhiễm biến thể Delta nếu tiêm đủ liều Giảm 69% nguy cơ nhiễm biến thể Delta nếu tiêm đủ liều Singapore cân nhắc nới lỏng các quy định giãn cách từ ngày 12/7 Singapore cân nhắc nới lỏng các quy định giãn cách từ ngày 12/7

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước