Phát biểu trong buổi họp báo trực tuyến vào ngày 24/6, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Mohammad Syahril cho biết, tổng cộng có 16 bệnh nhân là các trường hợp có thể mắc bệnh bệnh viêm gan bí ẩn, 14 bệnh nhân đang chờ phân loại và 40 bệnh nhân đã được phân loại.
Các trường hợp có thể mắc bệnh là các ca nghi mắc viêm gan cấp tính do virus gây viêm gan không thuộc các loại từ A đến E, với chỉ số SGOT hoặc SGPT trên 500 IU/L. Các trường hợp đang chờ xác định là những ca bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm viêm gan do mắc virus thuộc các loại từ A đến E, với chỉ số SGOT hoặc SGPT trên 500 IU/L. Trong khi đó, các trường hợp đã được phân loại là những ca bệnh đã được xác định mắc bệnh viêm gan từ A đến E và các căn nguyên khác.
Theo ông Syahril, 16 trường hợp bệnh có thể đã được phát hiện tại các tỉnh Bắc Sumatra, Sumatra, Jakarta, Riau, Jambi, Yogyakarta, Tây Kalimantan, Trung Java, Bali, Bắc Sulawesi và Trung Sulawesi. Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất được tìm thấy ở các bệnh nhân này là cytomegalovirus (CMV), hoặc herpesvirus ở người.
Cụ thể, CMV đã được phát hiện ở 4 trong số 15 bệnh nhân được xét nghiệm. Trong khi đó, virus thuộc họ Herpesviridae (CMV, HSV1, HHV-6A, HHV1, EBV) đã được phát hiện ở 16 trường hợp có thể mắc bệnh thông qua xét nghiệm metagenomic và PCR. Ngoài ra, một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với enterovirus và một bệnh nhân khác dương tính với adenovirus. Liên quan đến 40 bệnh nhân đã được phân loại, họ được xác định là từng bị sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng do vi khuẩn.
Cùng ngày 24/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện 33 nước đã báo cáo 920 ca có thể mắc viêm gan cấp tính ở trẻ em, tăng 270 ca so với tháng 5. WHO cho biết thêm, trong số trẻ mắc bệnh, 45 trẻ đã phải ghép gan, 18 trẻ đã tử vong, hầu hết ở khu vực châu Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!