Indonesia khó khăn trong tìm kiếm nguồn vaccine COVID-19

Ban Thời sự/TTXVN-Chủ nhật, ngày 12/09/2021 17:49 GMT+7

(Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Chính phủ Indonesia thừa nhận gặp khó trong vấn đề tìm kiếm nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 vì nguồn cung không tương xứng với nhu cầu cao từ các quốc gia khác nhau.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 11/9 cho biết, nhu cầu đối với vaccine ngừa COVID-19 lớn hơn nhiều so với số vaccine có sẵn hiện nay. Mặt khác, vẫn còn có chính sách từ các quốc gia cản trở việc cung cấp vaccine như hạn chế xuất khẩu.

Có một khoảng cách lớn về vaccine giữa các nước thu nhập cao và những quốc gia thu nhập thấp. Hiện trên toàn cầu có khoảng 5,5 tỷ liều vaccine đã được tiêm phòng cho người dân trên thế giới, nhưng 80% trong số đó là ở các nước có thu nhập cao.

Cho đến nay, Indonesia đã nhận được hơn 200 triệu liều vaccine được mua thông qua những kênh thương mại, Cơ chế COVAX và từ các quốc gia thân thiện. Trong gần 18 tháng qua, guồng máy ngoại giao của Chính phủ nước này đã không ngừng tiếp cận các nguồn vaccine và hợp tác với nhiều quốc gia khác nhau để đáp ứng nhu cầu về vaccine COVID-19 cho người dân.

Việc tiêm chủng ở Indonesia đã vượt mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tính đến nay 34% dân số Indonesia đã được tiêm liều vaccine đầu tiên và 20% dân số đã được tiêm liều thứ hai.

Trước đó, vào ngày 10/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi dân chúng bắt đầu học cách sống chung với COVID-19 khi căn bệnh này không còn được coi là đại dịch nữa. Phát biểu trong chuyến thị sát tại Đặc khu hành chính Yogyakarta, Tổng thống Widodo nhấn mạnh: "Chúng ta phải bắt đầu chuẩn bị cho quá trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu và cũng bắt đầu học cách sống chung với COVID-19", đồng thời vẫn cần tuân thủ nghiêm các quy định y tế, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.

Indonesia khó khăn trong tìm kiếm nguồn vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Binh sĩ Indonesia mặc trang phục truyền thống kêu gọi mọi người luôn đeo khẩu trang và rửa tay để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. (Ảnh: AP)

Động thái thay đổi nhận thức về COVID-19 của Chính phủ Indonesia như một loại bệnh đặc hữu xuất phát từ nhận định rằng căn bệnh này sẽ không thể biến mất trong tương lai gần.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, trong giai đoạn chuyển tiếp này, cộng đồng đã có thể bắt đầu các hoạt động phù hợp với mức độ áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại khu vực sinh sống.

Theo Bộ trưởng Budi, người dân cũng phải thực hiện nghiêm các quy định y tế và ngay lập tức đi tiêm chủng. Công tác xét nghiệm, truy vết, điều trị và cách ly tập trung cần được thúc đẩy hơn nữa nhằm nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm mới. Ông cho rằng, việc sống chung với COVID-19 là một "thực tế phải cùng nhau đối mặt" trên cơ sở cảnh báo của các nhà dịch tễ học rằng căn bệnh này sẽ không biến mất trong tương lai gần. Ông cũng nhấn mạnh, theo chỉ đạo chuẩn bị sống chung với COVID-19 của Tổng thống Widodo, việc thực hiện nghiêm các quy định y tế và tiêm chủng là "chìa khóa" để kiểm soát căn bệnh này.

Trong những tuần gần đây, Indonesia đã dần nới lỏng các hạn chế xã hội, theo đó cho phép trung tâm thương mại, địa điểm cầu nguyện và nhà hàng nâng công suất và thời gian hoạt động, đồng thời thí điểm mở cửa trở lại một số điểm du lịch tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch ở mức trung bình.

Indonesia kêu gọi người dân học cách sống chung với COVID-19 Indonesia kêu gọi người dân học cách sống chung với COVID-19

VTV.vn - Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân bắt đầu học cách sống chung với COVID-19 khi căn bệnh này sẽ không còn được coi là đại dịch nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước