Iran tăng cường các hoạt động làm giàu urani, bước toan tính mạo hiểm

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 04/02/2021 07:00 GMT+7

VTV.vn - Ngày 2/2, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA ra báo cáo cho biết, Iran đã gia tăng các hoạt động làm giàu urani.

Nước này bắt đầu làm giàu urani với tổ máy thứ hai tại trung tâm hạt nhân Natanz, vi phạm thỏa thuận với các cường quốc. Báo cáo của IAEA cũng xác nhận việc Iran đã bắt đầu tiến hành lắp đặt tổ máy làm giàu urani thứ ba.

Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA với Nhóm P5+1, gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani.

IAEA ước tính, quý 4/2020, kho dự trữ urani được làm giàu của Iran đã tăng lên 2,4 tấn, gấp 10 lần mức mà thỏa thuận cho phép, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 8 tấn mà họ từng dự trữ trước khi ký thỏa thuận. Nhưng Iran cũng đã bắt đầu làm giàu urani với độ tinh khiết cao hơn, trở lại mức 20% trước khi ký thỏa thuận. Nước này cho biết đã vượt mục tiêu sản xuất 17kg urani làm giàu ở mức 20% trong vòng 1 tháng, vượt cao so với sản lượng 12kg đề ra. Theo các chuyên gia, khoảng 250 kg urani được giàu ở mức 20% có thể chuyển thành 25 kg urani độ tinh khiết 90%.

Iran cũng tuyên bố không giấu diếm, nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Iran tăng cường các hoạt động làm giàu urani, bước toan tính mạo hiểm - Ảnh 1.

Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA với Nhóm P5+1

Mỹ - Iran dè dặt vấn đề hạt nhân

Bước phát triển này đưa Iran tiến gần hơn tới giới hạn các hoạt động sử dụng hạt nhân vì mục đích quân sự, trong khi nước này trước giờ luôn bác bỏ cáo buộc đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Những động thái làm giàu urani gần đây của nước này cộng với tuyên bố khả năng có thể làm giàu urani lên mức đủ chế tạo vũ khí hạt nhân, cũng đặt ra cho phương Tây nhiều lo ngại và đề phòng. Cùng với đó là những đánh giá của cộng đồng quốc tế về tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran và quan hệ Mỹ - Iran dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Iran rõ ràng rất kỳ vọng vào chính quyền của ông Joe Biden và tương lai Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Lời thúc giục được đưa ra thậm chí trước cả lễ nhậm chức chính thức của tân tổng thống Mỹ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói: "Quả bóng đang ở trong chân Washington, có quyết định thực hiện các nghĩa vụ và trở lại thỏa thuận hạt nhân hay không là do họ. Ông Trump đã rời nhiệm sở, nhưng thỏa thuận hạt nhân vẫn còn đó. Nếu P5+1 thực hiện các nghĩa vụ của mình, Iran cũng sẽ làm tương tự".

Nói như vậy không có nghĩa là Iran chủ động xuống thang tuyệt đối. Nước này không giấu những điều kiện cụ thể đặt ra, trước khi điều chỉnh chương trình hạt nhân của mình. Đó là từ phía Mỹ chủ động gỡ bỏ trước các biện pháp trừng phạt.

Ông Javad Zarifi - Bộ trưởng Ngoại giao Iran nhấn mạnh: "Chính quyền mới của Mỹ kêu gọi Iran quay trở lại các đàm phán hạt nhân, điều này không thực tế và không khả thi. Mỹ đã tự ý rút khỏi thỏa thuận, điều thực tế hơn họ nên làm lúc này là thực hiện các cam kết trước đó của mình, chúng tôi vẫn là một phần của thỏa thuận và khi đó chúng tôi sẽ cân nhắc các bước đi cần thiết".

Mỹ cũng có quan điểm cứng rắn riêng của mình, chỉ đích danh hoạt động tăng cường làm giàu urani của Iran là trở ngại chính để các bên ngồi lại đàm phán.

Iran tăng cường các hoạt động làm giàu urani, bước toan tính mạo hiểm - Ảnh 2.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói: Quả bóng đang ở trong chân Washington, có quyết định thực hiện các nghĩa vụ và trở lại thỏa thuận hạt nhân hay không là do họ

Ông Jake Sullivan - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói: "Ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới là ứng phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân đang leo thang, khi Iran tiến ngày càng gần hơn tới bước có đủ nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân. Chúng tôi sẽ đảm bảo tái lập một số ràng buộc quanh thỏa thuận đã bị bỏ quên 2 năm qua".

Tại Iran, dư luận vẫn đặt niềm tin vào một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa nước này với phương Tây. Nhưng khi nào căng thẳng mới hạ nhiệt, thì những dự đoán còn khá dè dặt.

Ông Abbas Aslani - Nhà phân tích chính trị cho rằng: "Có vẻ khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng, căng thẳng Iran và Mỹ sẽ giảm. Nhưng không nhất thiết nghĩa là quan hệ song phương sẽ tốt lên, mà có thể là sự hòa dịu hơn ở các vấn đề khu vực và thỏa thuận hạt nhân. Iran đã tuyên bố sẽ không đàm phán trực tiếp hoặc song phương với Hoa Kỳ trong bất kỳ vấn đề nào khác. Nếu có tiến triển gì trong quan hệ hai bên, tôi nghĩ sẽ chỉ bắt đầu từ khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân".

Các tuyên bố của Iran và Mỹ vừa thể hiện thiện chí, đồng thời vừa cứng rắn xung quanh vấn đề chung. Điều dư luận quan tâm là bên nào sẽ hành động cụ thể trước.

Iran luôn có cách khiến Mỹ và phương Tây phải nhớ rằng, nước này vẫn là một ẩn số về hạt nhân, và mọi hành động của phương tây nên thận trọng và cân nhắc. Các hành động tăng cường làm giàu urani của Iran, một động thái ví như đi trên dây trong mối quan hệ với phương Tây, được cho là nhằm tạo thêm áp lực để chính quyền mới của Mỹ phải sớm tiếp cận trở lại vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran, phải đặt Iran là một trong những hồ sơ ưu tiên. Dư luận thì hy vọng cách làm này của họ kể cả không sớm có hiệu quả, thì chí ít cũng mong không đẩy vấn đề trở nên xấu hơn.

Iran nối lại hoạt động làm giàu urani: Các nước quan ngại Iran nối lại hoạt động làm giàu urani: Các nước quan ngại

VTV.vn - Ngày 6/11, Iran chính thức nối lại hoạt động làm giàu urani sau khi bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước