Ít nhất 174 người thiệt mạng, Indonesia điều tra vụ bạo loạn và giẫm đạp trên sân cỏ

Quỳnh Chi (Theo France24)-Chủ nhật, ngày 02/10/2022 17:26 GMT+7

Cảnh sát bắn hơi cay tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang, Đông Java, Indonesia, ngày 1/10/2022. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Ngày 2/10, ít nhất 174 người đã thiệt mạng trong một cuộc bạo loạn và giẫm đạp ở sân vận động bóng đá của Indonesia.

Trong đó, hàng nghìn cổ động viên sân nhà giận dữ tràn xuống sân bóng và cảnh sát sở tại đã đáp trả bằng hơi cay, gây ra một vụ giẫm đạp, nhà chức trách Indonesia cho biết hôm 2/10.

Thảm kịch xảy ra vào tối 1/10 (theo giờ địa phương) ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java. Ngoài những người tử vong, có 180 người bị thương. Đây được coi là một trong những thảm họa sân vận động thể thao chết chóc nhất thế giới.

Những người ủng hộ đội Arema FC tại sân vận động Kanjuruhan đã xông vào sân bóng vào tối 1/10 sau khi đội của họ thua với tỷ số 3 - 2 trước đội khách và là đối thủ "cay đắng" Persebaya Surabaya.

Lực lượng cảnh sát địa phương, những người mô tả tình trạng bất ổn là "bạo loạn", cho biết, họ đã cố gắng buộc người hâm mộ quay trở lại khán đài và bắn hơi cay sau khi hai sĩ quan thiệt mạng. Theo cảnh sát, nhiều nạn nhân đã tử vong do bị giẫm đạp hoặc chết ngạt.

Những người sống sót mô tả, các khán giả đang hoảng loạn trong một đám đông chật cứng khi hơi cay xối vào họ.

"Các cảnh sát bắn hơi cay, và mọi người tự động lao ra, xô đẩy nhau và điều đó khiến nhiều nạn nhân tử vong", một khán giả 43 tuổi nói với hãng tin AFP. "Không có bạo loạn xảy ra. Tôi không biết vấn đề là gì, họ đột nhiên bắn hơi cay. Đó là điều khiến tôi bị sốc, họ không nghĩ về trẻ em, phụ nữ sao?".

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh mở cuộc điều tra về thảm kịch, xem xét lại mức độ an toàn đối với tất cả các trận đấu bóng đá và chỉ đạo liên đoàn bóng đá nước này tạm dừng tất cả các trận đấu cho đến khi việc "cải thiện an ninh" được hoàn tất.

"Tôi vô cùng tiếc về thảm kịch này và tôi mong rằng thảm kịch sân cỏ này sẽ là sự cố cuối cùng ở đất nước chúng ta", Tổng thống Widodo nói.

Một giám đốc bệnh viện nói với kênh truyền hình địa phương rằng, một trong những nạn nhân mới chỉ 5 tuổi.

Hình ảnh được chụp từ bên trong sân vận động xảy ra vụ giẫm đạp cho thấy, cảnh sát bắn một lượng lớn hơi cay và mọi người trèo qua hàng rào, nhiều người đã đưa những khán giả bị thương ra khỏi vụ hỗn loạn. Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, mọi người hét lên với cảnh sát, những người đang cầm khiên chống bạo động với dùi cui.

Nhiều phương tiện bị thiêu rụi, bao gồm một xe chuyên dụng cảnh sát. Cảnh sát cho biết, tổng cộng có 13 phương tiện bị hư hỏng.

Sân vận động có sức chứa 42.000 người và các nhà chức trách cho biết, đây là một trận bóng "cháy vé". Theo cảnh sát địa phương, 3.000 người đã xông vào sân bóng.

Bạo lực của người hâm mộ là một vấn đề nhức nhối ở Indonesia, nơi việc cạnh tranh sâu sắc đã biến thành những cuộc xung đột đối đầu gây chết người.

Hai đội bóng Arema FC và Persebaya Surabaya là "đối thủ truyền kiếp" của nhau. Các cổ động viên của Persebaya Surabaya đã không được phép mua vé xem trận đấu do lo ngại xảy ra bạo lực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, luật pháp và an ninh của Indonesia, Mahfud MD cho biết, các nhà tổ chức đã phớt lờ khuyến nghị của nhà chức trách về việc tổ chức trận đấu vào buổi chiều thay vì buổi tối. Theo ông Mahfud MD, Chính phủ nước này đã khuyến nghị chỉ in 38.000 vé, nhưng thay vào đó 42.000 vé đã được bán hết sạch.

Trên thực tế, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã có quy định cấm sử dụng hơi cay trong các trận bóng đá dù mục đích là để bảo vệ cầu thủ, quan chức hay duy trì trật tự công cộng.

Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia sẽ tới thành phố Malang cùng Cảnh sát trưởng quốc gia để trực tiếp điều tra nguyên nhân vụ việc và đưa ra các động thái tiếp theo.

Indonesia sẽ tổ chức FIFA U20 World Cup vào tháng 5 tại sáu sân vận động trên khắp nước này. Sân vận động Kanjuruhan ở Malang không có tên trong danh sách trên.

Các thảm họa sân vận động khác xảy ra trước đây bao gồm sự cố sập khán đài vào năm 1989 tại sân vận động Hillsborough của Anh, dẫn đến cái chết của 97 cổ động viên Liverpool và thảm kịch sân vận động Port Said trong năm 2012 ở Ai Cập, nơi 74 người tử vong trong các cuộc đụng độ.

Năm 1964, 320 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương trong một vụ giẫm đạp tại vòng loại Olympic Peru - Argentina ở Sân vận động quốc gia Lima.

Ít nhất 174 người thiệt mạng, Indonesia điều tra vụ bạo loạn và giẫm đạp trên sân cỏ - Ảnh 1.

Người hâm mộ tràn vào sân bóng trong một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang. (Ảnh: AP)

Ít nhất 174 người thiệt mạng, Indonesia điều tra vụ bạo loạn và giẫm đạp trên sân cỏ - Ảnh 2.

Kiểm tra thiệt hại sau vụ giẫm đạp tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang, ngày 2/10. (Ảnh: AP)

Ít nhất 174 người thiệt mạng, Indonesia điều tra vụ bạo loạn và giẫm đạp trên sân cỏ - Ảnh 3.

Ít nhất 174 người tử vong trong vụ bạo loạn và giẫm đạp. (Ảnh: AP)

Ít nhất 174 người thiệt mạng, Indonesia điều tra vụ bạo loạn và giẫm đạp trên sân cỏ - Ảnh 4.

Tổng cộng có 13 phương tiện bị hư hỏng. (Ảnh: AP)

Ít nhất 174 người thiệt mạng, Indonesia điều tra vụ bạo loạn và giẫm đạp trên sân cỏ - Ảnh 5.

Người thân của các nạn nhân đau đớn than khóc. (Ảnh: AP)

Bạo loạn tại giải bóng đá VĐQG Indonesia: Hơn 120 người thiệt mạng Bạo loạn tại giải bóng đá VĐQG Indonesia: Hơn 120 người thiệt mạng

VTV.vn - Đã có 127 người thiệt mạng và ít nhất hơn 200 người bị thương trong vụ bạo loạn sau trận đấu trên sân Kanjuruhan tại giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước