Vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson. (Ảnh: AP)
Động thái này diễn ra sau khi các cơ quan chức năng Mỹ khuyến cáo tạm dừng sử dụng vaccine của hãng này liên quan đến nguy cơ xuất hiện cục máu đông sau khi tiêm.
Sau khuyến cáo trên, Johnson & Johnson ra tuyên bố cho biết: "Chúng tôi đã quyết định chủ động hoãn kế hoạch giao vaccine tại châu Âu". Quyết định chủ động hoãn kế hoạch giao vaccine COVID-19 của hãng tại châu Âu là nhằm đánh giá các trường hợp xuất hiện cục máu đông sau tiêm với cơ quan y tế châu Âu.
Hãng nêu rõ: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia và giới chức y tế và chúng tôi ủng hộ việc mở cuộc trao đổi rộng rãi về thông tin này với các y, bác sĩ cũng như công chúng".
Trước đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo đang tiến hành đánh giá "những dấu hiệu đáng lưu ý tiềm tàng" sau khi 6 ca tiêm phòng vaccine của Johnson & Johnson có xuất hiện cục máu đông.
Theo thông tin mới nhất, ông Peter Marks, một nhà khoa học cấp cao của FDA của Mỹ ngày 13/4 cho biết, trong số 6 ca tại Mỹ xuất hiện huyết khối sau khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson, có 1 ca đã tử vong cùng ngày, trong khi 1 ca khác đang trong tình trạng nguy kịch. Tất cả 6 trường hợp này đều là phụ nữ, tuổi từ 18 - 48 tuổi, đã xuất hiện một dạng huyết khối hiếm thấy trong não kèm theo hiện tượng tiểu cầu thấp trong vòng 6 - 13 ngày sau khi tiêm.
Vaccine của Johnson & Johnson chỉ chiếm gần 5% số liều tiêm ở Mỹ. (Ảnh: AP)
Chuyên gia trên liên hệ với một trường hợp tương tự tại châu Âu sau khi được tiêm vaccine của hãng AstraZeneca, loại vaccine dùng công nghệ adenovirus vector. Bệnh này được cho là xuất phát từ một phản ứng miễn dịch hiếm thấy đối với vaccine, gây ra hoạt động mạnh của huyết khối.
Hiện Mỹ khuyến cáo tạm ngừng tiêm vaccine của Johnson & Johnson. Theo bà Anne Schuchat, một quan chức cấp cao của CDC, nguy cơ hình thành huyết khối rất thấp ở những người đã tiêm vaccine từ 1 tháng trở lên, trong khi những người mới tiêm vaccine trong 1 - 2 tuần cần cảnh giác về các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, đau chân hoặc khó thở.
Liên quan đến việc tạm ngừng sử dụng vaccine của Johnson & Johnson, Nhà Trắng cùng ngày cho biết, quyết định này không ảnh hưởng lớn đến chiến dịch tiêm chủng đại trà ở Mỹ. Theo ông Jeff Zients, điều phối viên ứng phó với dịch COVID-19 của Tổng thống Joe Biden, vaccine của Johnson & Johnson chỉ chiếm gần 5% số liều tiêm ở Mỹ đến nay. Trong khi đó, Mỹ có lượng lớn vaccine của hãng Pfizer và Moderna dư thừa, do đó, Mỹ có thể dễ dàng lấp chỗ trống sau khi ngừng sử dụng vaccine của Johnson & Johnson.
Sáng 13/4 (theo giờ địa phương), Thống đốc bang California, Mỹ đã thông báo quyết định tạm dừng việc sử dụng vaccine COVID-19 của hãng Johnson & Johnson theo khuyến nghị của CDC. California nằm trong hàng loạt các bang lớn của Mỹ thông báo tạm dừng việc tiêm vaccine Jensen bắt đầu từ ngày 13/4, trong đó có Washington, Idaho, Alabama, Wisconsin, Colorado và Nevada.
Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi những dữ liệu toàn cầu của các báo cáo khác nhau để xem liệu có xảy ra những ca tương tự ở các nơi khác hay không và cần có thời gian để đánh giá dữ liệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!