Với các nhà báo, sự thật là tôn chỉ, là đạo đức nghề nghiệp và cũng là nghĩa vụ thiêng liêng. Trong nhiều tình huống, họ đặt trách nhiệm đó lên trên những lo lắng khác. Không ít người thậm chí đã đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. Đó là câu chuyện về bức ảnh gây tranh cãi nhất trong lịch sử giới báo chí quốc tế: "Kền kền chờ đợi".
Tháng 3/1993, phóng viên ảnh Kevin Carter người Nam Phi đến Sudan với mong muốn ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về cuộc nội chiến và nạn đói thảm khốc tại đây mà theo lời anh là "đang bị thế giới bỏ quên".
Khi gần đến làng Ayod, Kevin bất ngờ gặp một bé gái với thân hình chỉ còn da bọc xương đang cố gắng lết tới trung tâm cứu trợ trên cánh đồng khô cằn cỏ cháy. Gần đó, một con kền kền đã đậu sẵn.
Bức ảnh: "Kền kền chờ đợi". Ảnh: Kevin Carter/The Unsolicited Opinion
Cẩn thận di chuyển để con kền kền không bay mất, anh chờ khoảng 20 phút để có được bức hình đẹp nhất rồi ngay sau đó đuổi con kền kền đi. Chính Kevin lúc đó không thể ngờ rằng, anh vừa chụp lại bức ảnh gây tranh cãi nhất trong lịch sử.
Tháng 4/1993, bức ảnh với tên gọi "Kền kền chờ đợi" đã đem lại cho Kevin giải Pulitzer danh giá, trở thành biểu tượng cho sự tuyệt vọng của người dân Nam Sudan. Tuy nhiên, Kevin phải chịu sự chỉ trích nặng nề vì chỉ chụp ảnh mà không giúp đỡ em bé. Quá suy sụp, cộng với cái chết của người bạn thân cũng là phóng viên ảnh, hơn 3 tháng sau, anh đã tự sát trong xe ô tô cá nhân khi mới 33 tuổi.
Tâm sự với báo giới, cha của Kevin cho biết, con trai ông luôn bị ám ảnh bởi chính những bức ảnh mình đã chụp và cuối cùng chúng đã khiến Kevin đánh đổi bằng cả mạng sống.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!