Cảnh sát tuần tra tại một ngã tư ở Port-au-Prince, Haiti, ngày 5/8. (Ảnh: AP)
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bật đèn xanh cho sứ mệnh an ninh vào ngày 2/10, với 13 thành viên bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Mỹ đưa ra và hai phiếu trắng từ Nga và Trung Quốc. Biện pháp này cho phép triển khai lực lượng trong một năm, nhưng yêu cầu xem xét lại sau khoảng thời gian 9 tháng.
Lực lượng quốc tế sẽ không chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Liên hợp quốc, thay vào đó sẽ do các chỉ huy người Kenya. Họ sẽ bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cảng hàng không và cảng biển, bệnh viện, trường học và các tuyến đường chính, cũng như thực hiện "các hoạt động có mục tiêu" cùng với lực lượng cảnh sát quốc gia Haiti.
Kenya cho đến nay đã cam kết gửi tới Haiti 1.000 quân, trong khi các quốc gia khác cũng dự kiến sẽ đóng góp kinh phí, nhân sự và nguồn lực. Sứ mệnh sẽ được tài trợ thông qua sự đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó Mỹ cam kết 200 triệu USD cho sứ mệnh.
Haiti hiện đang chìm trong vấn nạn tội phạm và bất ổn, bao gồm bắt cóc, cướp của và giết người. (Ảnh: AP)
Martin Kimani, đặc phái viên của Kenya tại Liên hợp quốc, cho biết Hội đồng Bảo an "đã thắp lên ngọn hải đăng hy vọng cho người dân Haiti đang bị bao vây" bằng cách phê chuẩn sứ mệnh.
Mỹ đã nhiều lần thúc giục tổ chức một phái bộ quốc tế tới Haiti với lý do "tình hình an ninh ngày càng xấu đi" và cuộc khủng hoảng nhân đạo "thảm khốc" sau vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise vào năm 2021.
Đất nước nghèo khó với 11,4 triệu dân này đã chứng kiến thực trạng gia tăng mạnh vấn nạn tội phạm và bất ổn, bao gồm bắt cóc, cướp của và giết người. Các băng nhóm vũ trang thậm chí còn chiếm giữ một số cảng chính của Haiti và gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa quan trọng. Theo Liên hợp quốc, hơn 3.000 vụ giết người và trên 1.500 vụ bắt cóc đòi tiền chuộc đã được báo cáo ở Haiti trong năm nay.
Bất chấp một số hoài nghi của người dân địa phương, chính quyền Port-au-Prince đã nhiều lần kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế kể từ vụ sát hại Tổng thống Moise. Thủ tướng Haiti Ariel Henry lần đầu tiên đề xuất một sứ mệnh an ninh vào tháng 10/2022, kêu gọi "triển khai ngay lực lượng vũ trang chuyên dụng" để đối phó với "các băng nhóm vũ trang" và dập tắt tình trạng bất ổn đang diễn ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!