Một thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine sử dụng lựu pháo D-30 tấn công quân đội Nga ở Kharkov hôm 5/10. (Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gặp nhiều nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu vào tuần trước tại thủ đô Washington. Trong cuộc gặp với các quan chức tài chính của EU, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã hối thúc khối này gia tăng cả tốc độ và số lượng các dòng tài chính chuyển đến Ukraine. Cụ thể, bà Yellen đã nêu vấn đề này trong cuộc họp riêng với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis và Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni tại hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Việc đẩy mạnh viện trợ tài chính cho Ukraine cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp giữa bà Yellen với các Bộ trưởng Bộ Tài chính EU.
Bà Yellen nhấn mạnh, Mỹ sẽ bắt đầu "cung cấp cho Chính phủ Ukraine trong những tuần tới khoản hỗ trợ ngân sách 4,5 tỷ USD được Quốc hội nước này thông qua hôm 30/9".
EU dường như không đồng tình với ý kiến cho rằng liên minh này đã chậm chạp hoặc không cung cấp tài chính phù hợp cho chính quyền Ukraine. Tuyên bố gần đây của người phát ngôn Ủy ban châu Âu Nuyts Veerle nói rằng viện trợ lũy kế của châu Âu dành cho Ukraine đã lên tới khoảng 19 tỷ Euro (18,5 tỷ USD).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: AP)
Vào giữa tháng 8 vừa qua, bộ phận theo dõi viện trợ Ukraine của Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2 năm nay, Kiev đã nhận được hơn 82 tỷ USD viện trợ của các nước phương Tây.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 14/10 thông báo viện trợ thêm gói vũ khí trị giá 725 triệu USD cho Ukraine. Nhà Trắng không nói rõ khoản viện trợ mới có những gì. Tuy nhiên, theo Lầu Năm Góc, gói viện trợsẽ bao gồm một số lượng (chưa xác định) "đạn dược bổ sung cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS", cùng hàng nghìn viên đạn pháo 155 mm và hơn 200 chiếc xe Humvee.
Đầu tuần trước, Mỹ tuyên bố sẽ xúc tiến việc vận chuyển hai trong số tám hệ thống phòng không NASAMS mà nước này đã hứa viện trợ cho Ukraine từ lâu. Tuy nhiên, gói viện trợ nói trên sẽ không bao gồm bất cứ hệ thống phòng không bổ sung nào.
Washington và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cam kết tăng cường khả năng phòng không của Ukraine sau các cuộc không kích dồn dập của Nga hồi đầu tuần.
Mỹ là quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Washington đã cung cấp cho Kiev hàng tỷ USD viện trợ quân sự, tài chính cũng như thông tin tình báo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!