Thủy cung Shinagawa vắng lặng hơn hẳn lệ thường do Tokyo vẫn đang trải qua thời kì tình trạng khẩn cấp nhằm phòng tránh COVID-19. Tuy nhiên, các chương trình hoạt động thường kì vẫn được duy trì đều đặn, nổi bật trong đó là tiết mục biểu diễn cá heo cùng hải cẩu được khán giả hết sức yêu thích.
Anh Misono - Người Nhật Bản cho biết: "Tôi vẫn thường đến thủy cung vì ở đây tôi được quan sát các loài sinh vật biển bình thường không nhìn thấy. Những hình ảnh này để lại ấn tượng rất sâu sắc".
Đi qua những bể cá lớn, chỉ được ngăn cách bởi một tấm kính dưới ánh đèn nhiều màu sắc. Thế giới đại dương sống động, sặc sỡ cùng vô số các sinh vật biển là điều làm nên sức hấp dẫn cho thủy cung. Các trường học Nhật Bản cũng thường tổ chức các chuyến thăm quan thủy cung. Các cuộc khảo sát cho thấy, thủy cung là điểm đến được ưa thích nhất đối với học sinh bậc tiểu học.
Được mở cửa từ tháng 10 năm 1991, thủy cung Shinagawa đã nhanh chóng trở thành điểm đến được ưa thích tại thủ đô Tokyo do khách thăm quan có thể chiêm ngưỡng thế giới thủy cung sặc sỡ sắc màu mà không phải đi xa.
Hiện chưa có thống kê chính xác nhưng theo ước tính, Nhật Bản có từ 120 đến 150 thủy cung lớn nhỏ đang hoạt động, biến nước này trở thành quốc gia có số lượng thủy cung nhiều nhất trên thế giới. Các đại thủy cung như thủy cung vịnh Nagoya có diện tích 41 nghìn m2 hay thủy cung Osaka có diện tích 35 nghìn m2 với hàng chục ngàn sinh vật biển đã được biết đến rộng rãi và là điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!