Khí ozone có hiệu quả cao trong việc khử trùng bề mặt có virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Tel Aviv University)
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv (Israel) cho biết, khí ozone, loại khí trong khí quyển có công dụng bảo vệ Trái đất chống lại tia UV có hại, cũng có thể được sử dụng để khử trùng bề mặt có virus SARS-CoV-2. Kết quả một nghiên cứu mới của Đại học Tel Aviv cho thấy, việc khử trùng bề mặt có virus SARS-CoV-2 bằng khí ozone đạt hiệu quả tới 90%, ngay cả ở những bề mặt khó tiếp cận thường không được diệt khuẩn bằng chất khử trùng dạng lỏng.
Trưởng nhóm nghiên cứu Ines Zucker cho biết: "Lần đầu tiên chúng tôi đã chứng minh được rằng, khí ozone có hiệu quả cao trong việc chống lại virus SARS-CoV-2".
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể duy trì sự tồn tại trên các bề mặt trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày tùy thuộc vào bề mặt thuộc loại gì và điều kiện môi trường xung quanh.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, khí ozone, thường được sử dụng như một chất kháng khuẩn và kháng virus trong xử lý nước, cũng có thể được sử dụng để khử trùng các bề mặt. Ozone là một phân tử bao gồm 3 nguyên tử oxy.
Bà Ines Zucker nói: "Ưu điểm của khí ozone so với các chất diệt khuẩn thông thường (như cồn và thuốc khử trùng) là khả năng khử trùng rộng, không chỉ đối với các bề mặt tiếp xúc, một cách nhanh chóng và không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng".
Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng khí ozone như một chất khử trùng nhằm chống lại virus chỉ cần thời gian sử dụng ngắn và với nồng độ thấp. Việc sản xuất khí ozone tương đối rẻ và đơn giản nên có thể sử dụng khí này như một chất khử trùng chống lại COVID-19 trên quy mô công nghiệp tại bệnh viện, trường học, khách sạn, máy bay, cơ sở giải trí, hội trường...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!