Hợp đồng trung chuyển khí đốt trên sẽ không được gia hạn thêm.
Dù quan hệ giữa Nga và châu Âu gần ở đang ở mức nguội lạnh nhất sau nhiều năm, Nga vẫn là quốc gia cung cấp khí đốt chính cho Liên minh châu Âu, nhất là một số quốc gia Đông và Trung Âu. Do đó, việc giám đoạn tuyến đường trung chuyển khí đốt qua Ukraine sang châu Âu đang là bài toán khó mà Nga và châu Âu cần tìm lời giải.
Nan giải vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu
Thủ tướng Slovakia Robert Fico vào ngày 22/12 đã bất ngờ thăm Nga, gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về các vấn đề như cuộc xung đột tại Ukraine, quan hệ song phương Nga - Slovakia và việc cung cấp khí đốt của Nga tới Slovakia trung chuyển qua Ukraine.
Tập đoàn Gazprom của Nga có thỏa thuận 5 năm cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu - trong đó có Slovakia, -bằng đường ống Druzhba đi qua Ukraine. Nếu tuyến đường này gián đoạn, Slovakia ước tính việc nhập khí đốt từ các nguồn khác có thể gây tốn kém thêm 220 triệu Euro chi phí vận chuyển.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Các bạn đã nghe tuyên bố từ phía Ukraine và biết về lập trường của các nước châu Âu vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga và coi điều này là cần thiết cho hoạt động bình thường của nền kinh tế của các nước này. Do đó, tình hình hiện đang rất phức tạp và cần được quan tâm hơn".
Trước đó, Ukraine đã tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Dòng chảy khí đốt này chiếm khoảng một nửa tổng lượng khí đốt xuất khẩu bằng đường ống của Nga sang châu Âu.
Tháng 9/2024 vừa qua ghi dấu lần đầu tiên kể từ năm 2022, Nga trở lại vị trí nhà cung cấp khí đốt chính cho Liên minh châu Âu (EU). Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong tháng 9, các công ty châu Âu đã mua khí đốt trị giá 1,4 tỷ Euro từ Nga. Khoảng 40% nguồn cung là khí tự nhiên hóa lỏng và 60% là khí đốt qua đường ống.
Nga tìm hướng xuất khẩu khí đốt ngoài châu Âu
Câu hỏi được đặt ra là việc Ukraine ngừng thỏa thuận trung chuyển khí đốt sẽ tác động ra sao đến nguồn cung khí đốt của Nga qua châu Âu và liệu Moscow có tìm kiếm hướng cung cấp khí đốt khác thay thế hay không?
Nga từng là nhà cung cấp khí đốt số 1 của châu Âu. Và việc xuất khẩu khí đốt thông qua Ukraine ở mức khoảng 90 tỷ m3 mỗi năm ở giai đoạn thuận lợi đã đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho Nga.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu bùng phát, khí đốt Nga sang châu Âu đã giảm, hiện qua tuyến đường Ukraine chỉ còn khoảng 15 tỷ m3. Con số này chiếm khoảng 4% sản lượng của Gazprom và 15% xuất khẩu vào năm 2023. Dù không nhiều nhưng thị trường khí đốt qua đường ống ở châu Âu mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với các nước Liên Xô cũ, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào năm 2022, giá khí đốt từ Nga ở châu Âu cao gấp 5 lần so với Trung Quốc và trong năm 2023, giá này ở mức cao gấp 2 lần. Với việc tuyến đường trung chuyển khí đốt qua Ukraine ngừng hoạt động, ảnh hưởng rõ ràng nhất là hiệu quả tài chính của tập đoàn Gazprom và sản lượng khí đốt ở Nga. Ước tính, doanh thu của Gazprom từ nguồn cung cấp cho châu Âu quá cảnh qua Ukraine lên tới 4 - 5 tỷ USD mỗi năm.
Châu Âu vẫn là điểm đến xuất khẩu sinh lợi nhất cho khí đốt qua đường ống của Nga. Hiện Nga đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế để xuất khẩu khí đốt, trong đó có cả việc thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Để vượt qua lệnh cấm vận của Mỹ đối với ngân hàng Nga Gazprombank - cơ quan duy nhất thanh toán hợp đồng mua khí đốt của Moscow, Tổng thống Putin vào đầu tháng 12 này đã ký sửa đổi nghị định, mở rộng khả năng thanh toán của khách hàng châu Âu cho nguồn cung cấp của Gazprom thông qua bên thứ ba.
Châu Âu nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga
Trước đây, gần một nửa nhu cầu khí đốt châu Âu là từ Nga, nay con số này chỉ còn chưa tới 10%, chủ yếu cho 3 nước Áo, Hungary và Slovakia. Không có khí đốt từ Nga, 3 nước này sẽ lập tức thiếu năng lượng. Cả 3 nước đều có diện tích nhỏ, dân số ít, không có biển nên rất khó phát triển điện gió, ngoài khí đốt thì chỉ có điện nguyên tử.
Vào ngày 20/12, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu đã tuyên bố rằng việc gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga là đi ngược lại mục tiêu của châu Âu (đoạn tuyệt khí đốt từ Nga). Áo, Hungary và Slovakia nên chuyển sang mua khí đốt từ những nguồn khác, ví dụ như từ các nước Trung Á, hoặc mua khí hóa lỏng không lệ thuộc vào đường ống dẫn. Tuy nhiên, Hungary và Slovakia phản đối vì các giải pháp đó đều tốn kém hơn so với hiện nay.
Đúng như phân tích từ các phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại châu Âu và Nga, mức độ nhạy cảm của thị trường khí đốt châu Âu trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga qua Ukraine không như trong 2 năm đầu của cuộc xung đột. Tuy nhiên, bài toán khí đốt hiện tại đang tạo ra thế khó cho EU.
Nhiều thành viên EU như Pháp và Đức đã tuyên bố họ sẽ không mua khí đốt của Nga. Tuy nhiên, lập trường của Slovakia, Hungary và Áo lại khác với cách tiếp cận chung của EU. Trong khi đó, Nga sẽ phải tiếp tục tìm kiếm các hướng xuất khẩu khí đốt mới nhằm đa dạng thị trường, củng cố nền kinh tế trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!