Trong nỗ lực khái quát những thông tin và tác động của các triệu chứng COVID-19 kéo dài trong vòng 4 năm kể từ khi căn bệnh này được xác định lần đầu tiên, nghiên cứu chỉ ra rằng phí tổn kinh tế ước tính từ các yếu tố như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người mắc COVID-19 kéo dài không thể quay lại làm việc... là khoảng 1.000 tỷ USD trên toàn cầu mỗi năm - tương đương 1% GDP toàn cầu.
Bên cạnh đó, khoảng 6% người trưởng thành trên toàn thế giới đã mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Nhiều người vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và việc điều trị căn bệnh này vẫn là một trong những thách thức lớn nhất.
Hội chứng COVID-19 kéo dài bao gồm các hiện tượng như mệt mỏi, chứng sương mù não, khó thở, mất khứu giác, mất ngủ, tim đập nhanh, chóng mặt, đau khớp và trầm cảm. Đến nay vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng và chưa có đủ dữ liệu để xác định các triệu chứng này sẽ kéo dài bao lâu.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng trong vài tuần qua. Dữ liệu từ 84 quốc gia cho thấy tỷ lệ xét nghiệm dương tính với COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá 10%, riêng ở châu Âu còn lên tới hơn 20%.
Theo nhà dịch tễ học lâm sàng Ziyad Al-Aly tại Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) - đồng tác giả nghiên cứu, đồng thời là người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu và phát triển thuộc Hệ thống Chăm sóc Y tế V.A. St. Louis, công trình trên của ông và các cộng sự còn nhằm cung cấp lộ trình cho các ưu tiên về chính sách và nghiên cứu.
Tham gia công trình này còn có một số nhà nghiên cứu COVID-19 hàng đầu khác cùng 3 lãnh đạo của tổ chức Patient-Led Research Collaborative do các bệnh nhân mắc các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài, đồng thời là các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, sáng lập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!