Tuần qua, cả thế giới chấn động trước vụ khủng bố kinh hoàng nhất tại Anh trong hơn 1 thập kỉ qua. Mục tiêu mà những đối tượng khủng bố hướng đến là địa điểm tổ chức biểu diễn ca nhạc, nơi tập trung rất đông người, nhằm gây thương vong cao nhất. Thủ phạm được xác định là một đối tượng sinh ra, lớn lên tại Manchester, đã bị cực đoan hóa và cũng từng bị cảnh sát để mắt tới. Chừng đó chi tiết đã khiến báo giới đặt ra rất nhiều câu hỏi về những biện pháp kiểm soát an ninh hiện nay tại Anh?
Các cơ quan chống khủng bố Anh đã bỏ lỡ những dấu hiệu cảnh báo nào khi để Salman Abedi tấn công khủng bố khiến 22 người thiệt mạng
Tờ Metro của Anh đã đặt ra câu hỏi, giới chức nước này đang đối mặt với câu hỏi liệu có phải họ đã bỏ lỡ bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào hay không? Đối tượng thực hiện vụ tấn công ở Manchester, Salman Abedi đã từng được lực lượng an ninh Anh biết tới. Thậm chí có báo cáo cho biết vài năm trước, một số người quen biết Abedi đã từng cảnh báo về tư tưởng cực đoan của tên này. Thế nhưng chừng đó vẫn không đủ để ngăn vụ tấn công xảy ra.
Metro trích nhận định của một chuyên gia cho rằng "phát hiện một kẻ có tư tưởng cực đoan và xác định kẻ đó có tạo ra mối đe doạ thực sự hay không là hai việc hoàn toàn khác nhau" và cũng rất khó để có thể giám sát một đối tượng cực đoan 24/7 vì hạn chế nguồn lực.
Trong khi đó, tạp chí Time cho rằng, một lần nữa vụ đánh bom liều chết tại Manchester đã khơi dậy nỗi sợ hãi về việc làm sao để giữ các mục tiêu mềm như sân vận động và sân bay được an toàn. Bảo vệ các khu vực bên ngoài bao quanh sân vận động hay địa điểm tổ chức ca nhạc đặt ra rất nhiều thách thức do khó có thể lồng ghép tất cả các lớp bảo vệ an ninh hiệu quả.
Việc xác định một vành đai an ninh cụ thể tại các mục tiêu này cũng rất khó khăn và có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề khác. Ví dụ hàng dài người xếp hàng chờ kiểm tra an ninh có thể trở thành mục tiêu tiềm tàng cho những kẻ khủng bố.
Trong một thời gian dài, nước Anh tưởng như bình yên hơn các nước châu Âu lục địa, nhờ vị trí quốc đảo. Tuy nhiên vụ khủng bố gần toà nhà Quốc hội Anh hồi tháng 3 và mới đây nhất vụ tấn công tại Manchester đã buộc London phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt.
"Nước Anh đang phải đối mặt với mối đe doạ khủng bố chưa từng có tiền lệ", đây là nhận định của tờ Telegraph. Trích kết quả một báo cáo mới công bố, Telegraph cho biết, mối đe doạ này lớn đến nỗi lực lượng an ninh Anh đang phải tiến hành 500 cuộc điều tra, nhằm vào khoảng 3.000 đối tượng hồi giáo cực đoan. Trong 4 năm qua, đã có 18 âm mưu khủng bố bị phát hiện.
Sau vụ việc tại Manchester Arena, Chính phủ Anh đang có kế hoạch tăng gấp đôi số chuyên gia chống khủng bố
Tại bài viết có nhan đề "Tình báo Anh trước mối đe doạ khủng bố", tờ Le Figaro dẫn lời ông Alex Younger, Giám đốc MI6, cơ quan tình báo đối ngoại của Anh khẳng định cần phải thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc của lực lượng an ninh. Lãnh đạo MI6 cảnh báo, nếu không thích ứng được với các thách thức khủng bố mới dưới mọi hình thức, Anh hoàn toàn có thể sẽ bị thất thủ trước kẻ thù.
Le Figaro ước tính với khoảng 12.700 nhân viên tình báo, làm việc cho ba cơ quan riêng rẽ, hệ thống chống khủng bố của London còn lớn hơn cả Pháp và Đức. Nhưng Chính phủ Anh đang có kế hoạch tăng gấp đôi số chuyên gia chống khủng bố.
Trong một cách đề cập theo hướng khác, tờ Liberation đặt ra câu hỏi: Liệu Brexit có làm suy yếu khả năng hợp tác chống khủng bố giữa Anh và EU?
Liberation trích lời một số chuyên gia cho rằng "cuộc ly dị" với Liên minh châu Âu có thể sẽ làm suy giảm đáng kể các hợp tác trong lĩnh vực an ninh giữa London với phần còn lại của châu Âu. Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã từng tuyên bố nếu cuộc ly hôn gây tổn hại quá nhiều cho nước Anh thì hợp tác chống khủng bố với châu Âu cũng sẽ suy yếu. Nếu khả năng này xảy ra, đây sẽ là một mối nguy thực sự trong cuộc chiến chống khủng bố.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!