Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu?

TS. Vũ Thụy Trang-Thứ năm, ngày 24/09/2020 16:52 GMT+7

VTV.vn - Khủng hoảng chính trị tại Belarus nổ ra sau bầu cử Tổng thống ngày 9/8/2020 khiến thế giới lo ngại về một kịch bản tương tự cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra 6 năm trước.

Cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/8/2020 tại Belarus đã đem lại thắng lợi cho đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko. Tuy nhiên, phe đối lập không công nhận kết quả bỏ phiếu. Các cuộc biểu tình quy mô lớn và nhiều cuộc đụng độ với cảnh sát vẫn đang diễn ra trên quy mô lớn ở quốc gia này.

Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Belarus 2020 qua các con số và sự kiện

Cuộc bầu cử Tổng thống Belarus lần thứ sáu này có tất cả năm ứng cử viên là Aleksandr Lukashenko, AnnaKanopatskaya, Andrei Dmitriev, Sergei Cherecheni, Svetlana Tikhanovskaya. Các ứng cử viên, trừ A.Lukashenko, đều tham gia tranh cử lần đầu tiên.

Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu? - Ảnh 1.

Ứng cử viên Alexander Lukashenko (Nguồn: Euronews)

Cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Alexander Lukashenko là đảm bảo cho người Belarus các quyền, tự do và nghĩa vụ của họ, cũng như quyền hạn của các cơ quan nhà nước, đảm bảo chất lượng giáo dục mới và đề xuất cải thiện chương trình giảng dạy trong các trường học và đại học, giáo dục và chăm sóc sức khỏe sẽ được tiếp cận bình đẳng đối với tất cả người dân Belarus và sẽ tiếp tục được nhà nước tài trợ.

Trong chiến dịch tranh cử của Anna Kanopatskaya, điểm nổi bật là vấn đề nhân khẩu học và hiện đại hóa nền kinh tế.

Ứng cử viên Andrey Dmitriev chú trọng đến vấn đề ưu đãi thuế ở các khu vực và các chương trình chống khủng hoảng cho các doanh nghiệp nhà nước.

Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu? - Ảnh 2.

Ứng cử viên Svetlana Tikhanovskaya (Nguồn: DW)

Mục tiêu chính của ứng cử viên Svetlana Tikhanovskaya được nêu trong chương trình là tiến hành bầu cử công bằng với sự tham gia của tất cả các ứng cử viên. Ứng cử viên dự định bổ nhiệm các thành viên mới của Ủy ban Bầu cử Trung ương và ban hành sắc lệnh về việc tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống mới.

Còn ứng cử viên Sergei Cherecheni đề xuất giảm thiểu vai trò của nhà nước trong mọi lĩnh vực, thực hiện tư nhân hóa, tạo cơ hội cho người lao động tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả bầu cử đã được Ủy ban Bầu cử Trung ương Belarus đưa ra, theo đó, Alexander Lukashenko đạt 80,1% số phiếu bầu, Svetlana Tikhanovskaya đạt 10,1%. Các ứng cử viên còn lại đạt số phiếu bầu tương đương nhau, trên 1%. Đại diện của Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus đã có tuyên bố sau kết quả kiểm phiếu: "Kết quả của cuộc bầu cử đã được thông qua theo quyết định của Ủy ban. Alexander Grigorievich Lukashenko được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Belarus". Như vậy, Alexander Lukashenko đã tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ sáu liên tiếp.

Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu? - Ảnh 3.

Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko (Nguồn: Belarus.by)

Phản ứng lại với kết quả bầu cử, ứng cử viên Andrei Dmitriev tuyên bố ý định kháng cáo kết quả bỏ phiếu lên Tòa án Tối cao. Sergei Cherechen cũng từ chối công nhận kết quả bỏ phiếu, nói rằng đất nước không có "thủ tục bầu cử bình thường". Còn Anna Krasulina, phát ngôn viên của chính trị gia Svetlana Tikhanovskaya nói rằng dữ liệu cuối cùng của Ủy ban bầu cử Trung ương Belarus "không liên quan gì đến thực tế". Tuy Ủy ban Bầu cử Trung ương và Tòa án Tối cao đã bác bỏ tất cả các khiếu nại của các ứng cử viên đối lập, song tình hình Belarus vẫn nóng lên từng ngày.

Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu? - Ảnh 4.

Biểu tình sau bầu cử tại Belarus (Nguồn: Tass)

Ngày 9/8/2020, sau khi đóng cửa các điểm bỏ phiếu, những người biểu tình bắt đầu xuống đường tại các thành phố của Belarus, sau đó leo thang thành các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Vào ngày 12 tháng 8, chính quyền Minsk ước tính thiệt hại do bạo loạn lên tới 500 nghìn rúp Belarus (14,8 triệu rúp Nga). Ngày 19/8, Valery Belsky, trợ lý của Tổng thống A. Lukashenko, cho biết, thiệt hại lên tới 500 triệu USD. Cho đến nay, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và ước tính số người tham gia biểu tình phản đối kết quả bầu cử diễn ra ngày 20 tháng 9 lên tới 100 nghìn người.

Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu? - Ảnh 5.

Biểu tình sau bầu cử tại Belarus (Nguồn: DW)

Phản ứng quốc tế đối với cuộc bầu cử tổng thống Belarusnăm 2020

Liên minh châu Âu (EU) đã không công nhận kết quả của cuộc bầu cử ở Belarus và sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chịu trách nhiệm về những sai phạm. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ được đưa ra. Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho rằng không thể tăng cường hơn nữa quan hệ với Belarus nếu ông Tổng thống A. Lukashenko vẫn trấn áp những người biểu tình và không tiến hành đối thoại. EU cũng sẽ cung cấp 53 triệu euro viện trợ cho người dân Belarus. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 21/8/2020 cho biết EU sẽ không muốn kịch bản Ucraina lặp lại ở Belarus. Ông kêu gọi giảm leo thang bạo lực ở trong nước và ủng hộ một cuộc đối thoại giữa chính quyền, phe đối lập và xã hội dân sự. Ông nói, EU sẵn sàng đồng hành với quá trình này nếu Belarus đồng ý với cuộc hòa giải này. EU cũng sẵn sàng phối hợp hành động với Nga. Tổng thống Pháp nói: "Chúng tôi ủng hộ một cuộc đối thoại thẳng thắn và chân thành với Nga (về Belarus).

Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu? - Ảnh 6.

Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell (Nguồn: Tass)

Còn các Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Thụy Điển và Slovakia đã lên tiếng ủng hộ OSCE tham gia trong việc giải quyết tình hình ở Belarus. Lítva thì lại muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Lukashenko và 31 người khác (không nêu tên) ở cấp quốc gia. Trước đó, Estonia là quốc gia đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus. Vào ngày 31 tháng 8, Estonia, Latvia và Lítva đã cấm nhập cảnh đối với Tổng thống Lukashenko.

Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu? - Ảnh 7.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo EU về tình hình Belarus (Nguồn: Euronews)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng:"Tôi vừa thảo luận về tình hình Belarus với Tổng thống Putin. Chỉ một cuộc đối thoại hòa bình và thực sự bao trùm mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Belarus". Các Ngoại trưởng EU đã quyết định rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng đối với những người có thể liên quan đến bạo lực chống lại người biểu tình và làm sai lệch kết quả bầu cử ở Belarus, và họ bắt đầu lập danh sách trừng phạt.

Khi đưa tin về các sự kiện ở Belarus, truyền thông phương Tây tập trung vào cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống A. Lukashenko đối với phe đối lập. Tờ Washington Post nhấn mạnh rằng A. Lukashenko hy vọng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần thứ sáu nhờ vào các chiến thuật đã được chứng minh - bằng cách loại bỏ phe đối lập. Người Mỹ tin rằng một làn sóng bắt giữ mới sau cuộc bầu cử sẽ khiến quan hệ giữa Belarus và phương Tây xấu đi. Các nỗ lực của Belarus trong việc khôi phục quan hệ với Mỹ và tăng cường quan hệ kinh tế với EU đã đi vào ngõ cụt. Do đó, Belarus có thể bị cô lập nhiều hơn. Tuy nhiên, Tổng thống A. Lukashenko có thể ngăn chặn các cuộc biểu tình hàng loạt. Còn theo Tờ Le Monde, người dân Belarus đã đoàn kết xung quanh ứng viên Tikhanovskaya với mục đích thực hiện "những thay đổi chính trị sâu sắc".

Về phía Nga, Nga vẫn kiềm chế các bước đi trực tiếp nhằm giải quyết tình hình ở quốc gia láng giềng. Nga đã nhiều lần tuyên bố, Nga không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác vì nếu vi phạm nguyên tắc này có nguy cơ dẫn đến làm suy yếu vị thế của Nga theo hướng Belarus. Bản thân Belarus cũng không yêu cầu sự can thiệp của Nga.

Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu? - Ảnh 8.

Tổng thống Belarus Lukashenko điện đàm Tổng thống Nga Putin về tình hình Belarus (Nguồn: Tass)

Giữa Nga và Belarus có mối quan hệ kinh tế vô cùng chặt chẽ. Hiện tại Nga có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Belarus. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tổng khối lượng đầu tư lũy kế từ Nga vào Belarus tính đến đầu năm 2020 lên tới 4,26 tỷ USD. Còn theo Ủy ban Thống kê Quốc gia Belarus (Belstat) và Bộ Tài chính nước này, trong năm 2019, Belaeus đã nhận được 2,87 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Nga, chiếm gần 40% tổng số đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia này (7,2 tỷ USD).

Nga là nguồn vay nước ngoài chính của chính phủ Belarus: theo Bộ Tài chính Belarus, các khoản vay của Nga chiếm khoảng 48% nợ chính phủ nước ngoài của Belarus (tính đến cuối quý 1 năm 2020), tương đương 7,92 tỷ USD. Ở vị trí thứ hai là Trung Quốc, đã cung cấp khoản vay cho Belarus với giá trị 3,3 tỷ USD. Trong ngoại thương giữa Belarus và thế giới, tỷ trọng của Nga là khoảng 48%, và Belarus phụ thuộc vào Nga với 56% kim ngạch nhập khẩu. Đối tác thương mại lớn thứ hai của Belarus là Liên minh châu Âu - chiếm 18% tổng kim ngạch thương mại của nước cộng hòa này. Trong thương mại song phương, năm 2019, xuất khẩu của Nga sang Belarus đạt 20,8 tỷ USD và nhập khẩu từ Belarus - 13,1 tỷ USD.

Nga cung cấp chủ yếu dầu và khí đốt cho Belarus. Nga cung cấp cho Belarus các nguồn năng lượng với giá ưu đãi, qua đó trợ cấp cho nền kinh tế Belarus, bên cạnh các khoản vay và đầu tư trực tiếp. Các khoản trợ cấp ẩn do nguồn cung cấp năng lượng ưu đãi đã lên tới khoảng 100 tỷ USD vào năm 2017. Kể từ năm 2018, các nhà chức trách Nga đã công khai tiếp tục trợ cấp cho nền kinh tế Belarus dựa trên sự tiến bộ trong quá trình "hội nhập" của hai nước.

Rõ ràng, Nga ủng hộ quyền tự quyết của Belarus về các vấn đề của quốc gia mình. Nga quan tâm đến việc cuộc khủng hoảng được giải quyết theo cách không đe dọa lợi ích quốc gia của Nga. Nga cũng nhận ra rằng sự gắn bó quá chặt chẽ với Lukashenko có thể khiến phần lớn xã hội Belarus xa lánh Nga.

Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu? - Ảnh 9.

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko trong một cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi (Nguồn: Belarus.by )

Nga lo ngại về một "kịch bản Ucraina" ở Belarus. Tổng thống Putin khẳng định rằng trong trường hợp có sự can thiệp đáng kể nào đó từ bên ngoài, thì Nga có thể ngăn chặn sự can thiệp đó để bảo vệ Belarus trong các tổ chức quốc tế, ngăn chặn việc thông qua các nghị quyết chống Belarus hoặc chống lại Tổng thống Lukashenko trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, theo yêu cầu của Tổng thống Lukashenko, ông đã thành lập một lực lượng quan chức an ninh dự bị để giúp Belarus. Ông nói rõ rằng Nga chỉ có thể can thiệp khi tình hình trở nên trầm trọng hơn, và bây giờ không cần thiết phải làm như vậy. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin cũng nói rằng đây hoàn toàn là chuyện nội bộ của Belarus và ở giai đoạn này Nga không thấy có điểm nào được cho là cần thiết để gửi quân đến Belarus ổn định tình hình của nước này.

Viễn cảnh Belarus trở thành một quốc gia thất bại hoàn toàn không có lợi đối với chính Nga - nước đang phải duy trì sự tồn tại của "nhà nước Lukashenko" từ nguồn tài chính của quốc gia. Song, Nga cũng sẵn sàng đóng góp vào cải cách dân chủ và sự ra đi của Alexander Lukashenko. Theo các chuyên gia, sự ra đi nhanh chóng của Tổng thống A. Lukashenko dường như kịch bản có lợi nhất cho Nga, tức là Nga có thể can thiệp tích cực để thuyết phục ông Lukashenko từ chức, trở thành người bảo đảm cho việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho chính phủ lâm thời (với sự tham gia của những nhân vật được Nga chấp nhận) và tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống mới. Một bước đi như vậy sẽ chuyển Nga từ vai trò quan sát viên sang vai trò chủ động, cho phép Putin giành được thiện cảm của xã hội Belarus, tạo nền tảng vững chắc để củng cố tình cảm thân Nga ở Belarus trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến nhân sự của chính phủ Belarus mới (điều này không thể thực hiện được dưới chế độ Lukashenko).

Gần đây, niềm tin của Nga đối với Belarus đã giảm dần, và điều này ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Belarus. Bất chấp sự phụ thuộc kinh tế vào Nga, sau câu chuyện Crưm sáp nhập vào Nga, Belarus đã duy trì quan điểm không ủng hộ Liên bang Nga trong cuộc xung đột với Ucraina và phương Tây. Mối đe dọa về việc lặp lại các kịch bản "Crưm" và "Donbass" liên quan đến Belarus đã buộc giới lãnh đạo Belarus phải xem xét lại các vấn đề trong chính sách quốc phòng của mình. Theo nhiều nhà phân tích, Belarus trong tình hình địa chính trị mới đã chọn vị trí "đồng minh răn đe" trong quan hệ với Nga. Bản chất của lập trường này là Belarus vẫn duy trì mọi quan hệ với Nga trong khuôn khổ cấu trúc hội nhập (bao gồm các liên minh quân sự - chính trị: Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể và Nhà nước Liên minh) và hoàn thành các nghĩa vụ đồng minh của mình. Nhưng đồng thời, giới lãnh đạo Belarus từ chối tham gia vào các sáng kiến mang tính "hiếu chiến" của Nga dưới mọi hình thức, chẳng hạn như chỉ trích lãnh đạo Ucraina hoặc đưa ra các "biện pháp trừng phạt đáp trả" chống lại các đối tác châu Vị thế "đồng minh răn đe" của Belarus đã buộc giới lãnh đạo Nga mong muốn tìm cách tháo gỡ. Nước Nga trên mọi phương diện đã sử dụng sự thống trị về tài nguyên đối với Belarus, cũng như các vấn đề khác để tác động đến chính sách của nhà nước Belarus từ bên trong thông qua các kênh chính thức và không chính thức. Chẳng hạn, từ quý I/2016, Liên bang Nga đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm thay đổi quan điểm của giới lãnh đạo Belarus. Các biện pháp này bao gồm từ chối giảm giá khí đốt cung cấp cho Belarus nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này; hạn chế sự di chuyển của công dân nước thứ ba qua biên giới Belarus - Nga về phía Nga; nhiều biện pháp hạn chế cung cấp thịt và các sản phẩm từ sữa của Belarus sang thị trường Nga có lợi cho phía Belarus...Chỉ tính riêng trong tháng 1/2017, tình trạng thiếu hụt dầu mỏ của Nga khiến tổng sản phẩm quốc nội bị thiệt hại 1,5% và cùng với thiệt hại về xuất khẩu lương thực.

Kết luận

Có thể nói, cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus lần này đang đặt ra cho chính quyền của Tổng thống A. Lukashenkho bài toán khó trong việc lựa chọn giải pháp ổn định đất nước và con đường phát triển. Sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Belarus dường như đã bị "xói mòn" trong một thời gian dài, tình hình kinh tế xấu đi chung, mức thu nhập của người dân giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh... là những nhân tố góp phần tạo nên làn sóng biểu tình cho đến nay vẫn chưa thể dứt. Có lẽ, người dân muốn có một sự lựa chọn mới cho đất nước, giảm sự phụ thuộc vào các quyết định cá nhân của A.Lukashenko để hướng tới xây dựng một nhà nước dân chủ hơn, vì người dân hơn. Dù tình hình có diễn biến theo chiều hướng nào thì Belarus và Nga có khả năng vẫn sẽ duy trì một định dạng quan hệ đặc biệt, Belarus cũng sẽ giữ nguyên vị thế là đồng minh quân sự của Nga. Nhưng từ quan điểm của chính sách kinh tế, Belarus sẽ tự do đa dạng hóa hơn nữa các quan hệ kinh tế đối ngoại của mình với các nước phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga song song với việc duy trì tư cách thành viên trong Liên minh Kinh tế Á - Âu.

TS. Vũ Thụy Trang - Viện nghiên cứu châu Âu - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước