Chủ tịch ECB Christine Lagarde. (Ảnh: Getty Images)
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói với các nhà lập pháp châu Âu tại Brussels hôm 5/6: "Dữ liệu mới nhất hiện có cho thấy, các chỉ số về áp lực lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao. Và mặc dù một vài chỉ số đang có dấu hiệu được điều chỉnh, nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy lạm phát cơ bản đã đạt đến đỉnh điểm".
Theo bà Lagarde, nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, cũng như niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn Eurozone gồm 20 thành viên vẫn còn yếu. Bà Lagarde cảnh báo, lĩnh vực sản xuất vẫn đang giải quyết lượng đơn đặt hàng tồn đọng, nhưng triển vọng của nó đang xấu đi. Lĩnh vực dịch vụ vẫn phục hồi, chủ yếu là do nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch.
Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống 6,1% trong tháng 5, giảm nhẹ so với mức 7,0% trong tháng 4. Bà Lagarde nhận định, lạm phát giá lương thực vẫn cao nhưng đang trên đà giảm và ở mức 12,5% trong tháng 5, thấp hơn so với mức 13,5% trong tháng 4. Lạm phát, không bao gồm lạm phát giá năng lượng và thực phẩm, đã giảm xuống 5,3% trong tháng 5, từ mức 5,6% trong tháng 4.
Áp lực tiền lương đã tăng lên khi người lao động tìm cách bù đắp một phần sức mua mà họ đã bị mất do lạm phát cao. Giá lương thực tăng cao tiếp tục đè nặng lên các hộ gia đình có thu nhập thấp nói riêng.
Bà Lagarde nói thêm, ECB "hoàn toàn cam kết chống lạm phát" để đạt được mức lạm phát mục tiêu 2%. Tại cuộc họp chính sách tiếp theo, bà chỉ ra rằng ECB sẽ tăng ba mức lãi suất cơ bản lên 25 điểm cơ bản để đối phó với áp lực lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!