Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 13/10/2022 06:28 GMT+7

VTV.vn - Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm sau xuống 2,7%.

Đây là lần thứ tư con số này bị điều chỉnh xuống. Báo cáo trên được công bố trong khuôn khổ cuộc họp thường niên giữa IMF và Ngân hàng Thế giới đang diễn ra tại Washington DC, Mỹ. Hai định chế tài chính hàng đầu cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều nền kinh tế duy trì chính sách thắt chặt bằng cách tăng lãi suất, trong khi tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại. Những người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều nhận định, kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Ông David Malpass - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới: "Các nền kinh tế phát triển tại châu Âu đang suy giảm. Chưa rõ mọi chuyện sẽ ra sao vào năm tới, nhưng đồng tiền mất giá đồng nghĩa với mức nợ đối với các nước đang phát triển ngày càng trở nên nặng nề hơn. Việc tăng lãi suất càng gây thêm sức ép lên các khoản nợ. Và lạm phát vẫn là một vấn đề lớn với tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo.

Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF): "Tôi hoàn toàn đồng ý rằng nguy cơ suy thoái đã tăng lên. Chúng tôi đã tính toán, khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ có ít nhất hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau. Tổng thiệt hại do sự suy thoái của nền kinh tế thế giới từ nay cho tới năm 2026 sẽ vào khoảng 4.000 tỷ USD, tương đương GDP của Đức".

Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái - Ảnh 1.

Theo IMF, kinh tế toàn cầu đang chuyển từ một môi trường có lạm phát, lãi suất thấp sang một thế giới dễ biến động và mong manh hơn. Ngân hàng thế giới nhấn mạnh, một trong những vấn đề lớn đối với nền kinh tế toàn cầu là làm thế nào để sản xuất nhiều hơn và tăng trưởng cao hơn.

Thách thức với kinh tế châu Á

Bà Era Dabla-Norris - Trợ lý Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chia sẻ: "Cảm ơn đã mời tôi tham gia chương trình. Có ba nguy cơ chính mà tôi muốn làm nổi bật, đầu tiên là xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine và điều này có thể làm tăng thêm giá năng lượng vốn đã cao.

Thứ hai là các điều kiện tài chính thậm chí còn thắt chặt hơn ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, điều này có thể gây ra tình trạng khó khăn về nợ và dòng vốn rời khỏi các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển. Thứ ba là sự chậm lại của tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao, làm suy yếu sự phục hồi và làm tổn hại thêm đến mức sống, gia tăng tình trạng bất ổn xã hội ở một số nước trong khu vực".

Bà Era Dabla-Norris cũng cho rằng: Về mặt chính sách, có thể thấy rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã được thực hiện và đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia vẫn đang trong quá trình phục hồi. Và lạm phát lõi, tức là giá cả hàng hóa đã trừ đi giá lương thực và năng lượng đang cao hơn so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Nhưng việc thắt chặt hơn nữa chính sách sẽ vẫn cần thiết để kiềm chế lạm phát. Và điều này sẽ cần phải tăng cường nếu sự gia tăng lạm phát lõi tiếp tục kéo dài.

Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái - Ảnh 2.

Về chính sách tài khóa, chính sách tài khóa nên hướng tới việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đồng thời hỗ trợ lập trường chính sách tiền tệ, vốn cần phải chặt chẽ hơn những gì chúng ta đã có trong vài năm qua. Ở các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ, việc hợp nhất tài khóa có thể là cần thiết. Nhưng dù là ở nước nào, những người dễ bị tổn thương nhất vẫn cần được bảo vệ khỏi các cú sốc về giá thực phẩm và năng lượng, bằng các biện pháp có mục tiêu, tạm thời và trung lập về ngân sách.

Về chính sách tài chính và đối ngoại, các chính sách này cần thực sự hướng tới việc bảo vệ ổn định tài chính vĩ mô trước những rủi ro lan tỏa từ việc thắt chặt của các nền kinh tế phát triển, bao gồm cả việc đồng USD mạnh lên. Các quốc gia nên cho phép điều chỉnh tỷ giá hối đoái để sử dụng như một bộ giảm sốc. Ở những tình huống gần với khủng hoảng, có thể sử dụng phương pháp quản lý dòng vốn ra.

Và cuối cùng, các chính sách cải cách cơ cấu cũng quan trọng không kém. Chúng có thể giảm bớt các hạn chế về nguồn cung và cũng có thể dễ dàng cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng. Ở nhiều quốc gia, việc tăng tốc chuyển đổi xanh có thể giúp xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc khí hậu và các nỗ lực số hóa có thể giúp nâng cao năng suất của cả người lao động và doanh nghiệp.

IMF và WB cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới IMF và WB cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới

VTV.vn - Hai quan chức đứng đầu WB và IMF cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái đang gia tăng, do lãi suất tăng trong khi các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng chậm lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước