Dữ liệu do Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố cho thấy, giá tiêu dùng, trừ chi phí thực phẩm tươi sống dễ bay hơi, đã tăng 3,7% trong tháng 11 so với một năm trước đó.
Giá tăng mạnh nhất đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến và cũng cao hơn đối với điện và các mặt hàng sử dụng lâu năm như máy điều hòa không khí.
Tỷ lệ lạm phát tháng 11 của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với mức cao đáng lo ngại ở Mỹ, Anh và một số quốc gia khác, nhưng vượt xa mục tiêu dài hạn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là 2,0%. Ngay cả khi loại trừ lạm phát thực phẩm tươi sống và năng lượng, chỉ số này vẫn tăng 2,8%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng liên tục kể từ đầu năm, gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải điều chỉnh các chính sách nới lỏng tiền tệ lâu nay của mình.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương của nhiều nước khác đã tăng mạnh lãi suất trong năm nay để giải quyết lạm phát.
Tuy nhiên, Nhật Bản, từ những năm 1990 đã dao động giữa thời kỳ lạm phát và giảm phát chậm, đã đi ngược lại xu hướng và tiếp tục giữ lãi suất ở mức cực thấp khi cố gắng hỗ trợ nền kinh tế của mình. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết, họ coi việc tăng giá gần đây là tạm thời và không có lý do gì để thay đổi đường hướng.
Các cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã làm giảm giá trị của đồng Yen so với đồng USD trong năm nay, từ khoảng 115 Yen/USD vào tháng 3 xuống mức thấp nhất 151 Yen/USD.
Đồng Yen đã phục hồi phần nào nhờ sự can thiệp của Chính phủ Nhật Bản. Tuần này, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã đưa ra một điều chỉnh gây sốc đối với chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của mình, khiến đồng giá trị đồng Yen mạnh lên nhanh chóng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!