Làn sóng chi hàng tỷ USD cho từ thiện của các tỷ phú Trung Quốc

Thanh Hiệp-Thứ bảy, ngày 28/08/2021 14:00 GMT+7

Trung Quốc thúc đẩy mục tiêu "thịnh vượng chung"

VTV.vn - Các tỷ phú công nghệ Trung Quốc đã và đang rất tích cực trong việc cam kết quyên góp hàng tỷ USD lợi nhuận cho các dự án từ thiện. Đâu là nguyên nhân dẫn tới xu hướng này?

Bắc Kinh thúc đẩy mục tiêu "Sự thịnh vượng chung"

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, 7 tỷ phú Trung Quốc đã chi số tiền kỷ lục 5 tỷ USD để làm từ thiện trong năm nay. Con số này thậm chí còn cao hơn 20% số tiền mà các doanh nghiệp và cá nhân trên toàn Trung Quốc đã dành ra để quyên góp trong năm 2020. Cho dù là thông qua lợi nhuận doanh nghiệp hay tài sản cá nhân, những cam kết đóng góp của các tỷ phú này đều được đưa ra sau lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc thúc đẩy "sự thịnh vượng chung" - chiến dịch có mục đích thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc.

Làn sóng chi hàng tỷ USD cho từ thiện của các tỷ phú Trung Quốc - Ảnh 1.

Các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đã chi số tiền kỷ lục 5 tỷ USD để làm từ thiện trong năm 2021 (Nguồn: Bloomberg)

Theo Bloomberg, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến việc tái phân phối của cải tại Trung Quốc và đề cập đến mục tiêu "thịnh vượng chung" ít nhất 65 lần trong các bài phát biểu và cuộc họp trong năm nay, cao gấp đôi so với con số 30 lần của cả năm ngoái.

Làn sóng chi hàng tỷ USD cho từ thiện của các tỷ phú Trung Quốc - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập tới mục tiêu "thịnh vượng chung" 65 lần trong các bài phát biểu và cuộc họp trong năm 2021 (Nguồn: CNBC)

Mặc dù vẫn chưa rõ tất cả các hàm ý chính sách của chiến dịch này, nhưng Trung Quốc đã xác định rõ, bên cạnh sự can thiệp của chính phủ và thị trường, yếu tố thứ ba trong quá trình tái phân phối của cải sẽ đến từ hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp và cá nhân.

Trong một cuộc họp cấp cao do chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì hôm 17/8, giới chức Trung Quốc khẳng định "cần điều chỉnh hợp lý các thu nhập cao quá mức và khuyến khích những cá nhân, doanh nghiệp có thu nhập cao đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội." Theo truyền thông Trung Quốc, ý tưởng về "bàn tay xã hội" này sẽ dựa trên nghĩa vụ đạo đức và kỳ vọng của xã hội để truyền cảm hứng cho những người giàu có tại Trung Quốc sẵn sàng quyên góp một số tài sản cá nhân của mình.

Bên cạnh đó, các quan chức Trung Quốc cũng khẳng định, mục tiêu giảm bớt bất bình đẳng xã hội của chính phủ nước này, không đồng nghĩa với việc "lấy hết của người giàu để giúp đỡ người nghèo." Phát biểu tại một cuộc họp ở Bắc Kinh hôm thứ Năm vừa qua, ông Han Wenxiu – một quan chức tại Ủy ban Tài chính và kinh tế trung ương khẳng định "Những người làm giàu trước nên giúp đỡ những người đi sau, nhưng làm việc chăm chỉ vẫn là điều cần được khuyến khích." Theo ông Han, việc đóng góp từ thiện là không bắt buộc, và nên được khuyến khích thông qua các chính sách thuế, từ đó có thể cải thiện "cơ cấu phân phối của cải trong xã hội".

Các đại gia công nghệ Trung Quốc đổ xô đi làm từ thiện

Ý tưởng của chính phủ Trung Quốc đã nhận được sự hoan nghênh của phần lớn người dân, nhưng lại khiến giới giàu có, đặc biệt là các tỷ phú công nghệ cảm thấy lo sợ, trong bối cảnh đang phải đối mặt với những chính sách thắt chặt quản lý. Nhiều nhà phân tích phương Tây tin rằng, ý tưởng này chính là nguyên nhân dẫn tới việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát đối với nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là nhắm tới các công ty công nghệ.

Do đó, mặc dù vừa bị thổi bay hàng trăm tỷ USD giá trị cổ phiếu kể từ sau khi đạt đỉnh hồi tháng 2/2021, các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc vẫn đang tự nguyện đóng góp những khoản tiền lớn cho các dự án từ thiện.

Sau cuộc họp ngày 17/8, Tencent – hãng công nghệ hàng đầu có trụ sở tại Thâm Quyến, đã thông báo đầu tư 7,7 tỷ USD vào "chương trình thịnh vượng chung" – một sáng kiến xã hội cung cấp hỗ trợ cho các lĩnh vực giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế và giúp người dân tăng thu nhập. Bốn tháng trước, công ty cũng đã khởi động một chương trình "giá trị xã hội bền vững", bao gồm cam kết chi 50 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD) cho các mục tiêu như chăm sóc sức khỏe, phục hồi vùng nông thôn và giáo dục khoa học.

Làn sóng chi hàng tỷ USD cho từ thiện của các tỷ phú Trung Quốc - Ảnh 3.

Hãng công nghệ Tencent tích cực tham gia làm từ thiện với những cam kết đóng góp 15 tỷ USD (Nguồn: Xinhua)

"Chiến lược mới này của Tencent là sự chủ động hưởng ứng đối với chiến lược của đất nước", Tencent thông báo trên tài khoản Wechat chính thức của mình.

Một doanh nghiệp khác cũng thu hút sự chú ý là Pinduoduo – hãng bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, vừa ghi nhận quý có lãi đầu tiên kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hôm 24/8, Pinduoduo thông báo đã ghi nhận doanh thu tăng 89% lên 23 tỷ nhân dân tệ (3,55 tỷ USD) trong quý II/2021, và mức lợi nhuận ròng đạt 2,4 tỷ nhân dân tệ (370 triệu USD). Điều đáng nói là ở chỗ, Pinduoduo đã cam kết đóng góp hoàn toàn khoản lợi nhuận này, cùng các khoản lợi nhuận trong tương lai để hỗ trợ cho người nông dân và hoạt động phát triển nông nghiệp của Trung Quốc. Thời gian công ty này "cho đi" dự kiến sẽ kéo dài đến lúc tổng số tiền đạt mức 10 tỷ nhân dân tệ (1,55 tỷ USD).

Ông Chen Lei – Giám đốc điều hành Pinduoduo cho biết "Nông nghiệp từ lâu đã trở thành trọng tâm trong sứ mệnh và chiến lược của Pinduoduo. Chúng tôi coi đây là một cách để tăng cường sự hỗ trợ của chúng tôi đối với quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phục hồi các vùng nông thôn."

"Đầu tư vào nông nghiệp mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, vì nông nghiệp là mối liên kết giữa an ninh lương thực và chất lượng, sức khỏe cộng đồng và tính bền vững môi trường. Chúng tôi muốn đưa nhiều nông dân hơn nữa tham gia vào chương trình này và phối hợp để cải thiện cuộc sống, sinh kế của họ", ông Chen Lei cho biết thêm.

Nhiều ý kiến cho rằng, động thái của Pinduoduo thể hiện sự sẵn sàng của công ty đối với các trách nhiệm xã hội – khái niệm gắn liền với yêu cầu phát triển "sự thịnh vượng chung" của chính phủ Trung Quốc. Trước đó, hồi năm ngoái ông Colin Huang - nhà sáng lập Pinduoduo - cũng cam kết quyên tặng 100 triệu USD cho Đại học Chiết Giang để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản khoa học y sinh, nông nghiệp và thực phẩm trong vòng từ 3 đến 5 năm tới.

Làn sóng chi hàng tỷ USD cho từ thiện của các tỷ phú Trung Quốc - Ảnh 4.

Số tiền mà các tỷ phú Trung Quốc cam kết chi cho các dự án từ thiện trong năm 2021 (Nguồn: Bloomberg)

Việc ủng hộ những khoản tiền lớn cho hoạt động từ thiện đang trở thành xu hướng phổ biến trong giới tỷ phú công nghệ Trung Quốc. Nhà sáng lập Xiaomi, tỷ phú Lei Jun đã quyên góp 2,2 tỷ USD cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại thông minh này cho 2 quỹ từ thiện, trong khi một tỷ phú khác là Zhang Yiming – nhà sáng lập ByteDance, cũng tặng 77 triệu USD cho một quỹ giáo dục tại quê nhà, nhằm mục đích đào tạo giáo viên địa phương, hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, cải thiện công nghệ và cải tạo cơ sở hạ tầng ký túc xá sinh viên. Tỷ phú Wang Xing – nhà sáng lập công ty giao hàng thực phẩm trực tuyến Meituan cũng quyên góp số cổ phần trị giá 2,3 tỷ USD cho quỹ từ thiện của mình.

Chia sẻ với trang mạng Pandaily, một nguồn tin trong ngành công nghệ nhận xét "Ngày càng có nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thực hiện hoạt động từ thiện và trách nhiệm xã hội của mình trong bối cảnh chính phủ đang đẩy mạnh các nỗ lực chống lại bất bình đẳng kinh tế bằng cách phân phối lại của cải tư nhân."

"Nhiều tập đoàn lớn sẽ thành lập quỹ trách nhiệm xã hội nếu như họ chưa có, và quy mô đóng góp từ các tập đoàn này sẽ tăng lên", Iris Pang – chuyên gia kinh tế trưởng tại ING nhận định. "Các doanh nghiệp cần phải thực hiện các bước đi mạnh hơn để nâng cao năng lực quản trịng doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội. Họ cần nỗ lực để đi trước các cơ quan quản lý."

Những nghi ngại của giới đầu tư

Tuy nhiên theo Forbes, sự hào phóng của các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm dấy lên một vấn đề quan trọng: "Ai sẽ là người có quyền kiểm soát cuối cùng đối với lợi nhuận và tài sản của các công ty này?" Bởi trên thực tế, số tiền dành cho các chương trình từ thiện đều được lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp, vốn sẽ được dành cho các cổ đông.

Các nhà phân tích cho rằng, sau hàng loạt biện pháp chặt quy định của chính phủ, những gì đang diễn ra càng làm nổi bật rủi ro của việc đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc. "Pinduoduo liệu có đảm bảo được cho các nhà đầu tư khả năng sinh lời nhất quán khi cam kết tặng hết lợi nhuận trong tương lai hay không? Liệu có nhà đầu tư nào nắm giữ cổ phiếu của Tencent cảm thấy hài lòng với việc hãng chi hàng tỷ USD cho các chương trình xã hội hay không?" Ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital, có trụ sở ở Hong Kong, Trung Quốc, đặt câu hỏi. "Giới chức Bắc Kinh có thể đang khiến nhiều người tin rằng, họ mới là người nắm quyền kiểm soát tài sản và lợi nhuận của các doanh nghiệp, còn các cổ đông chỉ đóng vai trò người giữ chỗ mà thôi."

Cả Tencent và Pinduoduo đều từ chối bình luận về vấn đề này. Trong một tuyên bố trực tuyến, Pinduoduo cho biết, sáng kiến của công ty "rõ ràng sẽ có tác động đến thu nhập ngắn hạn trên mỗi cổ phiếu của các cổ đông", và công ty sẽ triệu tập một cuộc họp để tìm kiếm sự ủng hộ của họ.

Hiện tại, các nhà đầu tư dường như đang có những quan điểm trái chiều về vấn đề này. Giá cổ phiếu của Meituan đã giảm một phần ba tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), sau khi khoản quyên góp từ thiện của nhà sáng lập Wang Xing được công bố hồi tháng Sáu. Ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu của Pinduoduo đã tăng mạnh 22% tại thị trường Mỹ vào ngày công ty công bố ý định từ thiện, bất chấp mức tăng trưởng doanh thu thấp hơn dự kiến.

Làn sóng chi hàng tỷ USD cho từ thiện của các tỷ phú Trung Quốc - Ảnh 5.

Cổ phiếu của Meituan đã sụt giảm mạnh sau khi nhà sáng lập Wang Xing công bố khoản quyên góp từ thiện 2,3 tỷ USD bằng cổ phiếu (Nguồn: CNBC)

Làn sóng chi hàng tỷ USD cho từ thiện của các tỷ phú Trung Quốc - Ảnh 6.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của Pinduoduo đã tăng mạnh 22% ngay sau khi kế hoạch từ thiện của hãng được công bố (Nguồn: Financial Times)

Ông Michael Witt, giáo sư liên kết cấp cao về chiến lược và kinh doanh quốc tế tại Trường kinh doanh INSEAD ở Singapore nhận định, việc các công ty sử dụng lợi nhuận cho mục đích từ thiện vào thời điểm hiện tại có thể mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc giữ lại chúng và đối mặt với nhiều biện pháp thắt chặt kiểm soát hơn nữa. "Các công ty công nghệ đã phải hứng chịu nhiều áp lực, và bởi vậy, có thể nhiều nhà đầu tư sẽ cảm thấy rằng, việc cho đi một phần lợi nhuận sẽ cải thiện triển vọng trong tương lai của những doanh nghiệp như Pinduoduo."

Tuy nhiên cả 2 chuyên gia Michael Witt và Brock Silvers đều chỉ ra những rủi ro dài hạn, khi các nhà đầu tư cân nhắc tới những hành động tiếp theo của chính phủ và tác động tiềm tàng của những động thái đó. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến việc hồi tháng 7, Bắc Kinh yêu cầu các công ty giáo dục tư nhân phải chuyển đổi thành các tổ chức phi lợi nhuận, qua đó kích hoạt làn sóng bán tháo, thổi bay hàng trăm tỷ USD giá trị vốn hóa khỏi thị trường chứng khoán.

Làn sóng chi hàng tỷ USD cho từ thiện của các tỷ phú Trung Quốc - Ảnh 7.

Giới đầu tư có thể đổ dồn vào các cổ phiếu doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động từ thiện để tránh rủi ro pháp lý (Nguồn: Financial Times)

"Các kế hoạch xã hội có thể tạo ra áp lực tăng giá tạm thời trên thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư đổ dồn vào cổ phiếu của các công ty được cho là sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý thấp hơn, nhờ các nỗ lực làm từ thiện", ông Silvers nhận xét. "Tuy nhiên, trong dài hạn, các kế hoạch xã hội này có khả năng làm trầm trọng thêm những lo ngại của giới đầu tư về khả năng đầu tư vào Trung Quốc."

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước