Đại dịch có thể tái diễn trên toàn thế giới trong một thời gian dài
Trong khi Ấn Độ đang chứng kiến giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch với hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết biến thể chứa đột biến kép của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm được phát hiện tại quốc gia Nam Á này đã được tìm thấy ở ít nhất 21 quốc gia trên thế giới và hoàn toàn có thể trở thành một vấn đề toàn cầu.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Ấn Độ là do sự kết hợp của các biến thể virus lây lan nhanh bao gồm biến thể Anh (B1.1.7) và biến thể Ấn Độ (B.1.617). Tình trạng hỗn loạn gây ra bởi các biến thể này đã làm dấy lên làn sóng lo ngại tại nhiều quốc gia.
"Không có nơi nào thực sự an toàn và đó là lý do tại sao thế giới lại quan tâm đến vậy", nhà virus học hàng đầu của Ấn Độ, Shahid Jameel cho biết.
Sự lây lan nhanh của biến thể B.1.617 là một trong những lý do gây ra làn sóng COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ (Nguồn: Reuters)
Trước đó, những lo ngại tương tự từng xuất hiện khi các nhà nghiên cứu Anh đã phát hiện ra rằng một biến thể khác của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Brazil có tốc độ lây lan nhanh, và có thể tái lây nhiễm cho những người đã khỏi bệnh. Biến thể này đã lan rộng khắp châu Mỹ Latinh, khiến số ca nhiễm bệnh và tử vong gia tăng, ngay cả ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Tương tự, hồi tháng 2, Nam Phi đã tạm dừng triển khai vaccine COVID-19 của Oxford-AstraZeneca sau khi một thử nghiệm cho thấy vaccine này không giúp tạo sự miễn dịch hiệu quả đối với các trường hợp nhẹ và trung bình mắc biến thể virus tại Nam Phi.
Ông T Sundararaman - Điều phối viên toàn cầu của Phong trào Sức khỏe Nhân dân - một tổ chức tập hợp các nhà hoạt động địa phương có trụ sở tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ chia sẻ với Aljazeera rằng nếu sự lây lan tiếp tục ở Ấn Độ, "các biến chủng virus chết người có khả năng tránh được miễn dịch" sẽ lây lan nhanh và gây ra các làn sóng tương tự ở các quốc gia khác, bao gồm cả những nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Ông bày tỏ lo ngại: "Nếu chúng ta không loại bỏ nó, đại dịch có thể tái diễn trên toàn thế giới trong một thời gian dài".
Theo chuyên gia virus Jameel, thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 là khoảng hai đến ba ngày và hiện nay ngày càng lâu hơn.
"Thế giới hiện tại thực sự đang bị thu hẹp nhờ tốc độ di chuyển nhanh chóng giữa các quốc gia. Bất kỳ loại virus nào, xuất hiện ở bất kỳ đâu, cũng có thể lây lan sang các nước khác trước khi chúng ta nhận ra rằng mình đã mắc bệnh", ông cho biết.
Trên thực tế, không giống như làn sóng dịch COVID-19 hồi năm ngoái, các bệnh viện tại Ấn Độ đang chứng kiến nhiều người lớn và trẻ em được đưa đến cấp cứu hơn. Đầu tháng này, Thủ hiến bang Delhi, ông Arvind Kejriwal tiết lộ rằng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị mắc COVID-19, với "hơn 65% bệnh nhân dưới 45 tuổi".
Tỷ lệ người trẻ mắc COVID-19 đang gia tăng tại Ấn Độ (Nguồn: Indian Express)
"Chúng tôi đã thấy điều tương tự với biến thể B1.1.7 ở Anh. Điều này có lẽ bắt nguồn từ các biến thể có khả năng lây truyền dễ dàng hơn và gây ra bệnh nặng hơn", chuyên gia Pooja Gala thuộc Cơ quan Y tế và Sức khỏe dân số, Đại học New York nhận định. Các chuyên gia, đặc biệt là ở các nước phương Tây lo ngại, việc những biến thể như vậy sẽ xuất hiện tại quốc gia của họ, nơi mà phần đông dân số trẻ hiện vẫn đang chờ đợi đến lượt tiêm vaccine.
Vì sao sự trợ giúp Ấn Độ vẫn không đủ?
Để ứng phó với những nguy cơ từ tâm dịch Ấn Độ, nhiều quốc gia đã quyết định tạm dừng các chuyến bay đến từ quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp này sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn các biến thể mới mà chỉ có thể làm chậm quá trình lây lan, giúp các nhà khoa học có thêm thời gian để xác định mức độ rủi ro mà chúng gây ra.
"Chúng ta có thể cấm tất cả các chuyến bay nhưng thực sự là không có cách nào để có thể hoàn toàn ngăn chặn những biến thể rất dễ lây lan này", Tiến sĩ Ashish Jha, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Brown cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch COVID-19 là vấn đề của tất cả các quốc gia, và cần có những phản ứng mang tính toàn cầu.
"Nếu thực sự muốn đại dịch qua đi, chúng ta không chỉ cần tiêm vaccine ở trong nước mà cần phải tiêm phòng ở khắp mọi nơi. Đây là cách duy nhất để ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể có khả năng "né" hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta, hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến trẻ em", nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng người Mỹ Devi Sridhar chia sẻ.
Nhiều quốc gia đã gửi những chuyến hàng y tế tới để hỗ trợ Ấn Độ kiềm chế dịch bệnh, từ máy thở, máy tạo khí oxy của Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Anh và các quốc gia Trung Đông, cho tới những lô vaccine Sputnik V đầu tiên của Nga. Mỹ cũng đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô sản xuất vaccine và gửi đi nhiều bộ dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ, bình oxy và máy thở.
Ấn Độ tiếp nhận lô vaccine Sputnik V đầu tiên từ Nga (Nguồn: Hindustan Times)
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự trợ giúp này là không đủ và các quốc gia cần có những bước đi mạnh mẽ hơn, như dỡ bỏ các rào cản về các bằng sáng chế vaccine, chuyển giao công nghệ, chuyên môn kỹ thuật và cung cấp nhân lực tại chỗ cho công tác tiêm chủng hàng loạt.
WHO cảnh báo, nếu dịch bệnh bùng phát ở Ấn Độ không thể sớm được kiềm chế và lây lan sang các nước láng giềng, nơi có khả năng cung cấp vaccine và hệ thống y tế yếu kém hơn, tấn thảm kịch đang diễn ra tại Ấn Độ sẽ có nguy cơ tái diễn.
Trên thực tế, các ví dụ rõ ràng nhất có thể thấy ngay tại khu vực Nam Á, nơi nhiều quốc gia láng giềng của Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với tình huống nguy cấp do đại dịch COVID-19. Tại Nepal, quốc gia có gần 2 nghìn km đường biên giới với Ấn Độ, mối đe dọa từ "cơn sóng thần" COVID-19 đang ngày càng rõ ràng. Bộ Y tế Nepal mới đây đã phải tuyên bố, đại dịch đã nằm ngoài tầm kiểm soát khi các đài hỏa táng thi thể bị quá tải, khiến nhiều thi thể phải hỏa táng ngay tại những địa điểm công cộng. Một quốc gia khác là Pakistan cho biết đã dùng hết 90% lượng khí oxy dự trữ và đang phải đối mặt với một tình huống khẩn cấp, trong khi Bangladesh cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong tháng 4.
Pakistan đã dùng hết 90% lượng khí oxy dự trữ khẩn cấp (Nguồn: AFP)
Tiêm chủng vaccine tại nhiều nước sẽ bị trì hoãn
Một tác động tiêu cực khác từ làn sóng dịch bệnh tại Ấn Độ đối với thế giới chính là sự chậm trễ trong hoạt động cung ứng vaccine. Quốc gia từng được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho các quốc gia khác nhờ ngành sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, giờ đây đang phải vật lộn trong việc tiêm chủng cho chính người dân của mình.
Hồi đầu năm nay, Ấn Độ đã đưa ra một kế hoạch tiêm chủng đầy tham vọng, bắt đầu với việc tiêm vaccine COVID-19 cho 300 triệu người dân Ấn Độ vào mùa hè. Nước này cũng đã gửi hơn 60 triệu liều vaccine Covishield và vaccine nội địa Covaxin tới một số quốc gia. Khoảng 92 quốc gia đang phát triển hiện đang phải phụ thuộc vào nguồn cung vaccine COVID-19 từ Ấn Độ.
Là nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, nhưng Ấn Độ lại đang gặp khó trong việc cung cấp vaccine cho người dân của mình (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên đến hôm 1/5, khi bắt đầu mở rộng việc tiêm chủng cho tất cả người dân trong độ tuổi từ 18 - 45, Ấn Độ đã phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo lượng vaccine cần thiết. Một số bang tại nước này đã phải đưa ra thông báo hoãn đợt tiêm chủng vì không có đủ vaccine.
Dù Ấn Độ mở hết công suất cho thị trường nội địa, lượng vaccine cần để phòng ngừa dịch vẫn vượt quá năng lực quốc gia. New Delhi đang tổ chức tiêm gần 3 triệu mũi/ngày cho người dân. Theo ước tính của ông Bhramar Mukherjee, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan (Mỹ), Ấn Độ cần tăng tốc tiêm toàn quốc gấp 3 lần hiện nay để đảm bảo an toàn cho 1,4 tỷ dân.
Trong khi Ấn Độ nỗ lực hoàn tất chương trình tiêm chủng của mình, các quốc gia khác sẽ phải chờ đợi.
"Ấn Độ ban đầu dự kiến sẽ cung cấp 50% vaccine cho thế giới trong mùa hè này và phần lớn số vaccine này sẽ được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình. Bây giờ vaccine sẽ phải được ưu tiên sử dụng trong nước", chuyên gia Jameel cho biết. Điều này đang làm dấy lên những lo ngại về sự thiếu hụt vaccine trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia có thu nhập thấp, đang trông đợi nguồn cung từ Ấn Độ.
Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất sẽ là các quốc gia châu Phi, vốn dựa vào nguồn vaccine của COVAX, chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng cùng các đối tác để đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận công bằng với vaccine phòng COVID-19. Nhà cung cấp vaccine chính cho châu lục này là Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - đơn vị sản xuất vaccine Covishield -vốn là phiên bản Ấn Độ của vaccine AstraZeneca.
Nhiều quốc gia châu Phi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung vaccine COVID-19 từ Ấn Độ (Nguồn: DW)
Theo Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi Ahmed Ogwell, vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chống COVID-19 tại lục địa này. Hơn 20 nước ở châu Phi sử dụng vaccine AstraZeneca đều đang bị ảnh hưởng do không tìm được nguồn cung thay thế. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, ông Ogwell cho biết CDC châu Phi và Chính phủ Ấn Độ hiện đang thảo luận để ít nhất vẫn đảm bảo được một số loại vaccine như cam kết trước đây. Ngoài ra, Liên minh châu Phi (AU) cũng đã tiếp cận các nhà sản xuất vaccine khác như Johnson&Johnson.
Do đó, chừng nào số lượng lớn dân số Ấn Độ vẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19, nguy cơ dịch bệnh lan rộng vẫn sẽ đe dọa toàn thế giới.
"Nếu chúng ta không trợ giúp Ấn Độ, tôi lo ngại rằng sẽ có một sự bùng nổ các ca lây nhiễm trên khắp thế giới", Tiến sĩ Ashish Jha cảnh báo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!