Trước tình hình này, Mexico và Mỹ hôm qua đã họp bàn, nhất trí thành lập ủy ban chung chuyên trách giải quyết vấn đề người di cư, trong đó có nhiệm vụ phối hợp hỗ trợ cải thiện tình hình kinh tế tại các nước trong khu vực và đối thoại thường xuyên với các quốc gia là nơi xuất phát của dòng người di cư.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ, gồm Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, Bộ trưởng An ninh nội địa Alejandro Mayorkas và Cố vấn An ninh nội địa Nhà Trắng Liz Sherwood-Randall đang có mặt ở Mexico để gặp Tổng thống nước chủ nhà Andres Lopez Obrador. Trọng tâm thảo luận là tình trạng di cư bất thường chưa từng có qua biên giới hai nước.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp tại Thủ đô Mexico City, Ngoại trưởng Mexico cho biết, ủy ban chuyên về vấn đề người di cư Mexico - Mỹ sẽ tiến hành các buổi làm việc song phương thường kỳ cũng như thường xuyên tiếp xúc với nhà chức trách các quốc gia xuất phát điểm của người di cư tại khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ để bàn thảo phương thức giải quyết tận gốc vấn đề này.
Bà Alicia Barcena - Bộ trưởng Ngoại giao Mexico cho biết: "Việc mở lại các cửa khẩu biên giới là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng ta đang nói về khía cạnh kinh tế cũng như các nguyên nhân cơ cấu của việc di cư. Chúng tôi rất quan tâm đến việc giải quyết các nguyên nhân bởi mọi người đến đây vì nghèo đói, bất bình đẳng, bạo lực, đoàn tụ gia đình… Và chúng tôi muốn giải quyết các vấn đề của họ ở quốc gia ban đầu".
Các quan chức Mỹ đến Mexico sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obrador và người đồng cấp Joe Biden ngày 21/12 vừa qua, trong đó hai nhà lãnh đạo nhất trí tính cấp thiết của việc triển khai các biện pháp bổ sung để mở lại các cửa khẩu quan trọng ở biên giới.
Nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn bán fentanyl xuyên biên giới cũng đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với cử tri Mỹ.
Lựa chọn "giấc mơ mới"
Với mong muốn một cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn, đích đến cuối cùng mà những người di cư ấp ủ thường là Mỹ. Tuy nhiên, rất nhiều người di cư đang đi ngược lại số đông. Thay vì theo đuổi "giấc mơ Mỹ", nhiều người lại thay đổi quyết định của mình, chuyển sang xây dựng cuộc sống mới với "giấc mơ Mexico". Và với họ, đó là quyết định đúng đắn.
Đã quen với công việc, anh Walter Banegas thuần thục thao tác trên chiếc máy đúc khuôn cột đèn đường trong nhà máy của Công ty Pace Industries (Mỹ) nằm ở thành phố Saltillo, phía Bắc Mexico.
Ít ai biết rằng người đàn ông đến từ Honduras này đã trải qua nhiều chặng đường đi tìm miền đất hứa trước khi có mặt tại đây. Để tránh phải gia nhập các băng đảng tội phạm ở quê nhà, anh vượt biên sang Mỹ lần đầu tiên khi là một cậu thiếu niên. Tuy nhiên, anh bị trục xuất vào năm 2014. Sau đó anh lại trốn vào Mỹ để xin tị nạn vào năm 2020, nhưng vẫn chỉ nhận được kết cục tương tự.
Cuối cùng, Banegas chọn ở lại Mexico và được nước này cấp quy chế tị nạn vào tháng 1/2021 nhờ sự hỗ trợ từ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn. Anh chuyển đến Saltillo, nhận công việc với thu nhập ổn định khoảng 800 USD mỗi tháng và gửi ít nhất 50 USD/tháng về cho gia đình ở Honduras. Ngoài ra, anh rất vui khi cậu con trai 6 tháng tuổi David đã trở thành công dân Mexico.
Anh Walter Banegas - Người di cư từ Honduras: "Tôi rất thích thành phố Saltillo này, nó trông giống như một thị trấn nhưng lại rất phát triển và rất đẹp. Nó yên tĩnh và an toàn nữa".
Mexico đang trở thành lựa chọn rất hứa hẹn và chắc chắn đối với người tị nạn, một phần vì nhu cầu lao động tăng cao.
Ông Andres Ramirez - Điều phối viên Tổ chức COMAR: "Dân số Mexico đang già đi nên cần lực lượng lao động trẻ. Ngoài ra, kể từ năm nay, Mexico đã là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Vì vậy, tôi nghĩ Mexico có rất nhiều việc làm cho người lao động".
Thời gian qua, Liên hợp quốc cũng tích cực giúp người tị nạn đến các thành phố ở miền Trung và Bắc Mexico, trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ sắp xếp việc làm cũng như tiếp cận nhà trẻ, trường học và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Về phần mình, Chính phủ Mexico đang tập trung mở rộng các chương trình thị thực việc làm và tạo liên kết giữa đơn vị sử dụng lao động với người di cư đang tìm việc.
Số liệu của cơ quan tị nạn Mexico cho biết, chỉ từ vài trăm đơn xin tị nạn vào nước này mỗi năm cách đây một thập kỷ, con số đó đã tăng lên 27.000 người trong năm ngoái. Riêng năm nay, chính quyền Mexico đã và đang phê duyệt ít nhất 20.000 hồ sơ xin tị nạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!