Hơn 516,85 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 83,55 triệu ca mắc và hơn 1,024 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 17.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 7/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,09 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 664.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,54 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 liều lượng thấp quy mô toàn cầu chuẩn bị được triển khai ở bang Victoria của Australia. Cuộc thử nghiệm này nhằm củng cố hệ miễn dịch, giúp giảm các tác dụng phụ và đảm bảo nguồn cung vaccine dồi dào.
Theo kế hoạch, sẽ có 3.800 tình nguyện viên từ các nước Australia, Indonesia, Mông Cổ tham gia chương trình thử nghiệm mũi tăng cường liều thấp quy mô lớn này. Trong khi đó, theo thông báo ra ngày 6/5 của Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch (MCRI), cuộc thử nghiệm sắp diễn ra này sẽ có sự tham gia của 800 tình nguyện viên tại bang Victoria.
Đại diện của MCRI cho biết, chương trình này sẽ tiêm vaccine của hãng Pfizer-BioNTech với liều lượng 15 microgram, giảm một nửa so với liều lượng ban đầu là 30 microgram. Đối với vaccine của hãng Moderna, liều lượng sẽ là 20 microgram thay vì 50 microgram. Sau khi tiêm chủng, những tình nguyện viên buộc phải thực hiện xét nghiệm máu 4 lần nhằm đánh giá mức độ kháng thể. Toàn bộ kết quả xét nghiệm sẽ được đăng tải trên hệ thống theo dõi trực tuyến trong 7 ngày và những người tham gia sẽ nhận được các cuộc gọi để tư vấn về các phản ứng phụ mà họ gặp phải.
Bộ Y tế Peru cho biết, nước này sẽ triển khai chương trình tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho tất cả những người từ 50 tuổi trở lên nhằm tăng cường khả năng miễn dịch, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát khá tốt tại quốc gia Nam Mỹ này trong thời gian gần đây.
Các đối tượng được tiêm mũi vaccine thứ tư có thể là công dân Peru hoặc người nước ngoài đang sinh sống ở nước này và đã được tiêm mũi vaccine thứ ba cách đây ít nhất là 5 tháng. Đến nay, cơ quan y tế Peru mới chỉ cấp phép tiêm mũi vaccine thứ tư cho những người trên 70 tuổi, nhân viên y tế hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Theo Bộ Y tế Peru, quyết định trên được đưa ra dựa trên cơ sở khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng quốc gia sau khi tham khảo những chương trình tương tự ở một số nước trên thế giới. Biện pháp này được thông báo một ngày sau khi Bộ Y tế Peru xác nhận, quốc gia Nam Mỹ này vừa phát hiện ra một dòng mới của biến thể Omicron, vốn không có đột biến mới hoặc khác với những biến thể trước đó và được đặt tên là BA.1.22. Dòng mới của biến thể Omicron được xác định ở tỉnh miền Nam Tacna và đã lây lan ra nhiều vùng khác nhau, bao gồm cả thủ đô Lima.
Peru sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho tất cả những người từ 50 tuổi trở lên. (Ảnh: AP)
Theo thông kê mới nhất, Peru trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 151 ca mắc mới COVID-19 và 5 người tử vong. Hiện chỉ còn hơn 1.000 ca bệnh đang phải điều trị tại các cơ sở y tế. Đến nay, Peru đã tiêm hơn 72 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, trong đó có 16,3 triệu người, tương đương 57,1% dân số, đã được tiêm 3 mũi vaccine. Peru đang đứng ở vị trí thứ ba trong số các quốc gia Mỹ Latin có tỷ lệ người dân hoàn thành phác đồ tiêm vaccine.
Chính phủ Indonesia cho biết sẽ xem xét chuyển từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu dựa vào kết quả đánh giá tình hình dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ kéo dài Eid Al-Fitr kết thúc vào ngày 8/5. Thông tin trên được ông Abraham Wirotomo, quan chức Văn phòng Tham mưu Tổng thống, đưa ra sau khi Chính phủ nước này thông báo đã chuẩn bị các kế hoạch để chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh dịch đặc hữu.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Abraham cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ chờ đánh giá về tình hình dịch bệnh một vài tuần sau lễ Eid Al-Fitr. Ông bày tỏ hy vọng, số ca mắc mới của Indonesia sẽ không tăng như ở các quốc gia khác.
Ông Abraham cho biết đại dịch COVID-19 ở Indonesia đã nằm trong tầm kiểm soát 7 tuần qua, với tỷ lệ lây nhiễm (Rt) ở dưới mức 1 và số ca mắc mới liên tục giảm.
Bộ Y tế Thái Lan đặt mục tiêu công bố COVID-19 thành bệnh đặc hữu vào tháng 7 tới trong bối cảnh số ca mắc mới ở quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục giảm ở dưới 10.000 ca/ngày, tỷ lệ tử vong cũng giảm mạnh. Thái Lan cho biết, nếu các tiêu chí được đáp ứng, Bộ Y tế nước này sẽ công bố COVID-19 là một bệnh đặc hữu vào ngày 1/7 theo kế hoạch.
Theo đó, các quy định về đeo khẩu trang có thể được nới lỏng, nhưng điều này cũng sẽ phụ thuộc vào tình hình COVID-19 ở từng khu vực. Trước đó, nhà chức trách Thái Lan cho biết, việc coi COVID-19 là bệnh đặc hữu phải được thực hiện cùng với công tác cung cấp kiến thức liên quan đến sức khỏe cho người dân để họ có thể tự bảo vệ mình và sống chung với căn bệnh này một cách an toàn.
Bắt đầu từ ngày 9/5, thủ đô Bangkok của Thái Lan sẽ mở các phòng khám điều trị và chăm sóc cho những bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài tại 9 bệnh viện của thủ đô. Các phòng khám này sẽ mở cửa mỗi tuần một lần. Đối tượng đủ điều kiện để khám tại đây là những bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19 và đã âm tính với virus SARS-CoV-2 trên 1 tháng. Các dịch vụ của phòng khám tập trung vào việc theo dõi những triệu chứng hậu COVID-19 của những bệnh nhân này, trong đó bao gồm cả kiểm tra sức khỏe tâm thần.
Chính phủ Lào ngày 7/5 tuyên bố, nước này sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn đất nước đối với hoạt động xuất nhập cảnh phổ thông từ ngày 9/5 để thúc đẩy du lịch và kinh tế. Thông báo của Văn phòng Chính phủ Lào nêu rõ, từ ngày 9/5, nước này sẽ mở cửa trở lại mọi cửa khẩu quốc tế đối với hoạt động xuất nhập cảnh của công dân Lào, ngoại kiều, người nước ngoài và người không có quốc tịch; cho phép công dân các nước có hiệp định miễn trừ thị thực cả song phương và đơn phương với Lào được nhập cảnh Lào mà không cần xin thị thực; công dân quốc gia không có hiệp định miễn trừ thị thực với Lào có thể xin cấp thị thực tại Đại sứ quán, cơ quan lãnh sự Lào tại nước ngoài hoặc xin qua hệ thống thị thực điện tử hoặc xin thị thực tại chỗ ở các cửa khẩu quốc tế.
Những người đã tiêm chủng đầy đủ có thể nhập cảnh Lào mà không cần thực hiện xét nghiệm COVID-19 bao gồm cả trước khi khởi hành cũng như khi vừa nhập cảnh. Trong trường hợp người nhập cảnh Lào mắc COVID-19, họ phải tự trả chi phí điều trị. Chính phủ Lào cũng cho phép mở các tụ điểm giải trí và karaoke, tuy nhiên cần phải chú trọng việc thực hiện biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.
Nhật Bản cân nhắc đón khách du lịch nước ngoài sớm nhất từ tháng 6. (Ảnh: AP)
Chính phủ Nhật Bản đang dự kiến nối lại hoạt động đón khách du lịch nước ngoài sớm nhất từ tháng 6 tới. Động thái diễn ra trong bối cảnh nước này bắt đầu từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới phòng dịch COVID-19. Từ cuối tháng 5 này, Chính phủ Nhật Bản có thể chấp nhận một lượng hạn chế các nhóm du khách trên cơ sở thử nghiệm.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết sẽ đánh giá lại các biện pháp phòng dịch COVID-19 theo từng bước sau khi tham vấn các chuyên gia y tế. Hiện Nhật Bản cho phép 10.000 người nhập cảnh mỗi ngày, nhưng chỉ giới hạn ở doanh nhân, thực tập sinh và sinh viên. Nước này dự kiến tăng dần hạn ngạch cũng như số lượng du khách nước ngoài trong những tháng tới.
Ngày 7/5, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tiến hành đợt xét nghiệm mới COVID-19 với quy mô lớn và ngừng hoạt động thêm nhiều tuyến xe buýt cùng tàu điện ngầm trong bối cảnh nước này đã bước sang giai đoạn mới phòng chống dịch bệnh với các biện pháp phản ứng nhanh chóng và can thiệp sớm để ngăn ngừa biến thể Omicron rất dễ lây lan và khó nắm bắt.
Trong khi đó, cùng ngày giới chức Thượng Hải (Trung Quốc) thông báo hoãn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học thêm một tháng. Kỳ thi tuyển sinh đại học gần đây nhất được tổ chức là vào năm 2020, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Bắc Kinh, ông Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia về COVID-19 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết, trong giai đoạn mới chống dịch này, bắt đầu từ tháng 3, chính quyền thực hiện các biện pháp kiên quyết và nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm quản lý các nguồn lây nhiễm, cắt đứt các chuỗi lây truyền và bảo vệ các nhóm cư dân dễ bị tổn thương. Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều bệnh viện, nhiều cơ sở được chuyển đổi công năng thành nơi chăm sóc y tế và các khu cách ly được lập ra để sẵn sàng phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tại các địa điểm hoặc cơ sở đông dân cư như viện dưỡng lão cho người cao tuổi.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc đang thiết lập hàng nghìn điểm xét nghiệm PCR tại các thành phố lớn. Riêng tại Thượng Hải, trung tâm tài chính và thương mại lớn của Trung Quốc đại lục, đã có 9.000 điểm xét nghiệm được thiết lập và có 5.000 điểm đã đi vào hoạt động. Các điểm xét nghiệm được đặt tại khu dân cư, công viên, tòa nhà văn phòng, lối vào ga tàu hỏa hoặc trạm tàu điện ngầm. Mỗi người sẽ mất 15 phút làm xét nghiệm. Nhiều thành phố khác của nước này cũng sẽ thực hiện các biện pháp tương tự Thượng Hải để kiểm soát dịch bệnh.
Hong Kong (Trung Quốc) đã nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi số ca nhiễm mới theo ngày giảm từ mức đỉnh hơn 50.000 ca xuống khoảng 300 ca hiện nay. Theo đó, chính quyền Hong Kong cho phép người dân không cần đeo khẩu trang khi tập thể dục ở ngoài trời và số khách tối đa mỗi bàn tại các nhà hàng cũng được tăng gấp đôi từ 4 lên 8 người.
Hong Kong đang chứng kiến lượng người nhập cảnh cao nhất trong hơn 2 năm qua. Theo dữ liệu của cơ quan di trú và số liệu do trang Webb-Site.com tổng hợp, lượng người thực tế đến Hong Kong trong 3 ngày đầu tiên của tháng 5 là 4.659 người, tăng vọt so với 191 người trong cả tháng 4 vừa qua. Nếu tình hình này tiếp diễn trong thời gian còn lại của tháng 5, Hong Kong sẽ ghi nhận dòng người thực tế đổ về đặc khu này theo tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2020.
Lượng người đến Hong Kong gia tăng sau khi đặc khu này dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với những người không cư trú tại đây từ ngày 1/5. Dòng người đến Hong Kong trong tháng này chủ yếu là từ Trung Quốc đại lục, trong đó có cả cư dân quay trở lại đặc khu và những người đến lần đầu, phần lớn để tránh những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đang được áp đặt nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!