Căng thẳng ngoại giao giữa Anh với Nga leo thang hôm 8/5 sau khi chính phủ Anh tuyên bố sẽ trục xuất một nhà ngoại giao cấp cao của Nga, người mà các quan chức cho rằng là một sĩ quan tình báo quân sự bí mật, đồng thời đóng cửa một số cơ sở ngoại giao của Nga ở nước này.
Chính phủ Anh cáo buộc cơ quan An ninh Liên bang FSB đang thực hiện một mô hình "hoạt động ác ý" ở Anh và châu Âu, bao gồm các hacker tấn công làm rò rỉ tài liệu thương mại liên quan đến Hoa Kỳ cũng như nhắm mục tiêu vào các nhà lập pháp Anh thông qua các chiến dịch email độc hại...
Ông James Cleverly, Bộ trưởng Nội vụ Anh, nói trước Quốc hội rằng chính phủ đang công bố các biện pháp trả đũa "để nói rõ với Nga rằng Anh sẽ không dung thứ cho những hành động thiếu thiện chí như vậy".
Động thái của Anh được đưa ra hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã triệu tập đại sứ Anh tại Moscow để bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" trước những nhận xét của Ngoại trưởng Anh David Cameron về việc Ukraine sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Anh kiên quyết bảo vệ Ukraine chống lại Nga (Ảnh: AFP)
Rõ ràng Anh - Nga - vốn là một trong những mối quan hệ "dễ đổ vỡ" nhất giữa Moscow và một thành viên NATO - đang rơi vào tình trạng đóng băng thậm chí còn sâu hơn.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cam kết sẽ có phản ứng "cứng rắn và có chừng mực" với phía Anh.
Căng thẳng của Anh và Nga đã phát sinh từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng những rạn nứt ngày càng sâu sắc hơn vào năm 2018, sau khi một cựu điệp viên tình báo Nga và con gái ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh ở Salisbury, Anh. Anh đổ lỗi cho tình báo quân sự Nga và trục xuất 23 nhà ngoại giao mà nước này coi là sĩ quan tình báo không được công bố.
Vào năm 2020, một ủy ban Quốc hội Anh kết luận rằng Nga đã tiến hành một chiến dịch kéo dài nhằm phá hoại nền dân chủ của Anh, sử dụng các chiến thuật từ thông tin sai lệch, can thiệp vào cuộc bầu cử, chuyển tiền bẩn và tuyển dụng các thành viên của Hạ viện… Nga bác bỏ kết luận này và xem đó là một hành động "bài Nga".
Anh là một trong những quốc gia NATO đầu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022. Một loạt các nhà lãnh đạo Anh, bao gồm cả Thủ tướng Rishi Sunak và một trong những người tiền nhiệm của ông, Boris Johnson - đã đưa ra quan điểm như những người bảo vệ kiên quyết của Ukraine chống lại Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!