Một số chuyên gia y tế cho rằng, chúng ta vẫn có thể đặt niềm tin vào sự bảo vệ của các vaccine COVID-19 hiện có.
Ông Leif Erik Sander, chuyên gia miễn dịch Bệnh viện Charite, Berlin, Đức, chia sẻ: "Điều may mắn là hệ thống miễn dịch của chúng ta được xây dựng để phát triển các phản ứng miễn dịch đối với nhiều bộ phận khác nhau của virus. Chúng ta có các kháng thể và những tế bào khác nhận biết các phần của virus. Và đó là lý do tại sao vaccine COVID-19 dù ban đầu không được tạo ra để chống lại các biến thể nhưng cũng vẫn có hiệu quả. Vì thế, tôi nghĩ rằng vaccine cũng có hiệu quả chống lại các biến thể virus mới như Omicron".
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci kêu gọi, mọi người hãy nhanh chóng tiêm chủng bởi vẫn có khả năng vaccine bảo vệ được chúng ta trước Omicron, đặc biệt là sau khi có mũi tăng cường.
Hàng loạt nghiên cứu về hiệu quả vaccine COVID-19 với biến thể Omicron đang được thực hiện. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, một số chuyên gia để ngỏ khả năng vaccine giảm hiệu quả với biến thể Omicron.
Các hãng dược lớn hiện đang tích cực chạy đua với biến thể này. Trong trường hợp cần thiết, vaccine mới có thể được sản xuất trên quy mô lớn vào đầu năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, trong hợp đồng mua vaccine mà Ủy ban châu Âu ký với hãng BioNTech-Pfizer vào đầu mùa hè năm nay, có điều khoản nếu virus đột biến tới mức vaccine vô tác dụng, Pfizer cam kết muộn nhất 100 ngày sau phải cung cấp được vaccine mới đủ sức phòng ngừa virus biến thể. Dự kiến trong khoảng 2 tuần tới sẽ có thêm kết quả về các nghiên cứu và thử nghiệm hiệu quả của vaccine, qua đó chúng ta có thông tin đáng tin cậy về mức độ biến thể mới có thể vô hiệu hóa tác dụng của các loại vaccine hiện tại và liệu có cần phải bào chế vaccine mới hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!