Liệu pháp gene từ tảo giúp người khiếm thị khôi phục một phần thị lực

Quỳnh Chi (Theo Live Science)-Thứ sáu, ngày 28/05/2021 07:14 GMT+7

(Ảnh minh họa: Getty)

VTV.vn - Người khiếm thị nay có thể thấy được được những hình dạng mờ ảo nhờ vào liệu pháp gene và cặp kính được chế tạo đặc biệt.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 24/5 trên tạp chí Nature Medicine, bệnh nhân trong nghiên cứu là một người đàn ông được chẩn đoán bị mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố cách đây 40 năm ở tuổi 18. Theo Viện Mắt Quốc gia (NEI), những người bị viêm võng mạc sắc tố mang các gene bị lỗi do nhiều đột biến, khiến các tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc phía sau mắt bị "hỏng".

Những gene này thường mã hóa các protein chức năng trong võng mạc. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh, các gene bị lỗi không thể tạo ra các protein đó, hoặc tạo ra các protein bất thường hoạt động sai chức năng hay tạo ra các chất gây tổn hại trực tiếp đến mô võng mạc. Theo NEI, tình trạng này ảnh hưởng với tỷ lệ 1/4.000 người trên toàn thế giới và đôi khi có thể dẫn đến mù hoàn toàn, như đã xảy ra ở bệnh nhân 58 tuổi trong nghiên cứu mới nói trên.

Tạp chí MIT Technology Review thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết, trong một nỗ lực để điều trị chứng mất thị lực của người đàn ông này, các nhà khoa học đã chèn những gene mã hóa protein cảm nhận ánh sáng vào một loại virus đã được sửa đổi, sau đó tiêm các vector virus đã được chỉnh sửa gene đó vào mắt của bệnh nhân. Protein, được gọi là ChrimsonR, là một phiên bản của protein nhạy cảm với ánh sáng được tìm thấy trong tảo đơn bào, cho phép sinh vật đơn bào phát hiện và di chuyển về phía ánh sáng mặt trời.

ChrimsonR thuộc dòng protein nhạy cảm với ánh sáng, được gọi là channelrhodopsins (phân họ của protein retinylidene có chức năng như các kênh ion ánh sáng, đóng vai trò là chất thụ cảm cảm giác trong tảo lục đơn bào, kiểm soát phototaxis chuyển động để phản ứng với ánh sáng) và đã được sửa đổi để phản ứng với các màu nằm trong phần cuối màu đỏ của quang phổ màu, cụ thể là ánh sáng màu hổ phách. Bằng cách tiêm gene ChrimsonR vào võng mạc, đặc biệt là vào tế bào hạch võng mạc, một loại tế bào thần kinh gửi tín hiệu thị giác đến não, nhóm nghiên cứu hy vọng làm cho những tế bào này nhạy cảm với ánh sáng vàng cam.

Trong khi đó, kính đặc biệt sẽ thu nhận những thay đổi về cường độ ánh sáng từ môi trường và sau đó chuyển tín hiệu đó thành một hình ảnh màu hổ phách, cường độ cao được chiếu thẳng lên võng mạc của bệnh nhân với mục đích kích hoạt ChrimsonR. Sau nhiều tháng, một lượng đáng kể ChrimsonR tích tụ trong mắt người đàn ông và bắt đầu thay đổi khả năng nhìn của bệnh nhân. Cuối cùng, người đàn ông này bắt đầu cảm nhận được các loại ánh sáng với sự trợ giúp của kính bảo hộ.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Bệnh nhân đã nhận biết, định vị, đếm và chạm vào" các đồ vật khác nhau bằng mắt được điều trị của mình và trong khi đeo kính. Ví dụ, bệnh nhân có thể nhìn thấy một cuốn sổ và những chiếc cốc đặt trên bàn trước mặt anh ta, thậm chí có thể đưa ra số lượng chính xác.

Trước khi được điều trị, người đàn ông không thể phát hiện bất kỳ vật thể nào, dù có hay không đeo kính bảo hộ. Sau khi tiêm gene ChrimsonR vào võng mạc, bệnh nhân có thể nhìn thấy nhưng chỉ khi đeo kính, vì kính sẽ chuyển đổi tất cả ánh sáng thành màu hổ phách, các nhà nghiên cứu cho biết.

Ngoài cuốn sổ và cốc, bệnh nhân cho biết có thể nhìn thấy các vạch sơn trắng ở phần đường dành cho người đi bộ. Nhóm nghiên cứu cho biết, bệnh nhân bắt đầu tập luyện với kính bảo hộ trong khoảng 4 - 5 tháng sau khi tiêm và bắt đầu thông báo về sự cải thiện thị lực của mình khoảng 7 tháng sau đó.

Khôi phục thị lực nhờ cấy ghép não Khôi phục thị lực nhờ cấy ghép não

VTV.vn - Tại Mỹ, 6 người khiếm thị đã nhìn thấy được ánh sáng nhờ thiết bị Orion được cấy ghép vào não.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước