Liệu thương vụ sáp nhập Gojek – Grab có đáng lo ngại?

Huệ Anh-Thứ tư, ngày 06/01/2021 14:20 GMT+7

Hồi đầu tháng 12, "ông lớn" gọi xe công nghệ Grab tuyên bố sẽ mua lại Gojek (Nguồn: Reuters)

VTV.vn - Thương vụ sáp nhập giữa Grab và Gojek vẫn đang trong quá trình cân nhắc. Đã xuất hiện những quan ngại về tác động đến người dùng và tài xế từ thương vụ này.

Hồi đầu tháng 12, "ông lớn" gọi xe công nghệ Grab tuyên bố sẽ mua lại Gojek. Công ty với kỷ lục tăng trưởng mạnh mẽ cùng mức định giá thị trường lên tới 15 tỷ USD này đã gọi vốn thành công vào năm ngoái nhằm tạo bước đệm cho thương vụ thâu tóm lớn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là người sử dụng dịch vụ và tài xế liệu có "chịu thiệt" sau khi thương vụ này hoàn tất.

Bởi thực tế, ký ức về thương vụ mua lại giữa Grab và toàn bộ Uber Đông Nam Á vào 2 năm trước vẫn còn nguyên vẹn. Cả Grab và Uber đều phải chịu các khoản phạt lớn từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) cùng cơ quan quản lý Philippines. Khách hàng của Grab theo đó phải trả phí nhiều hơn, tài xế của hãng cũng phải chịu các điều khoản "ngặt nghèo".

ĐỘNG LỰC LỚN CHO CẢ GRAB VÀ GOJEK

Thương vụ sáp nhập giữa Grab và Gojek vẫn đang trong quá trình cân nhắc.

Liệu thương vụ sáp nhập Gojek – Grab có đáng lo ngại? - Ảnh 1.

Hồi đầu tháng 12, "ông lớn" gọi xe công nghệ Grab tuyên bố sẽ mua lại Gojek (Nguồn: Reuters)

Grab có vị thế vững chắc trong thị trường đặt xe và giao đồ ăn, đặc biệt là ở Singapore. Gojek cũng sở hữu nhiều thế mạnh tại thị trường Indonesia với mức định giá khoảng 10 tỷ USD. Cả hai đều đã cạnh tranh gay gắt với các đối thủ tiềm năng để giành được miếng bánh thị phần.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn, trong đó có Softbank, lại đang hậu thuẫn cho Grab, thúc đẩy Grab và Gojek rời bỏ cuộc chiến thị phần để theo đuổi mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận.

Sau khi huy động được khoản vốn lớn chỉ trong vài năm, các công ty cũng cần chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Grab dự kiến sẽ trả cho Uber 2,26 tỷ USD (3 tỷ đô la Singapore) nếu đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 3/2023 của công ty này thất bại.

SỰ QUAN TÂM TỪ PHÍA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ

Một số cơ quan giám sát cạnh tranh, chẳng hạn như CCCS, có thể sẽ phản đối thương vụ sáp nhập này vì lo ngại rằng các tài xế và người sử dụng dịch vụ gọi xe sẽ chịu thiệt thòi.

Liệu thương vụ sáp nhập Gojek – Grab có đáng lo ngại? - Ảnh 2.

Grab và Uber đều phải chịu các khoản phạt lớn từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) sau khi sáp nhập (Nguồn: Reuters)

Dịch vụ gọi xe đã phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2019, sau khi một đạo luật về chống độc quyền và minh bạch hoá giá phí được thông qua. Luật pháp Indonesia quy định, cơ quan cạnh tranh KPPU phải được báo cáo về mọi thương vụ sáp nhập trong vòng 30 ngày. Đặc quyền này không cho phép KPPU ngăn cản quá trình sáp nhập của Grab. Vì vậy, mặc dù đối mặt với sự phản đối từ cơ quan chống độc quyền Singapore, sự kết hợp giữa Grab-Gojek khó có thể bị cản trở về mặt pháp lý tại Indonesia - thị trường quan trọng của Gojek.

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường vẫn sẽ tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh giữa hai thương hiệu, ngay cả khi sáp nhập hoàn tất, bởi một công ty có thể là kẻ thống trị tại quốc gia này, nhưng lại mang thế yếu tại quốc gia khác.

Trong khi Grab chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực đặt xe và giao đồ ăn tại Singapore, Gojek lại có thị phần nhỏ hơn nhiều. Ngay cả khi việc sáp nhập xảy ra, người tiêu dùng vẫn có nhiều sự lựa chọn trong dịch vụ giao nhanh, ví dụ như ứng dụng foodpanda, deliveryroo hay Ryde.

Liệu thương vụ sáp nhập Gojek – Grab có đáng lo ngại? - Ảnh 3.

Tác động của thương vụ sáp nhập đối với các tài xế hiện vẫn là dấu hỏi (Nguồn: AFP)

Bên cạnh việc đảm bảo thương vụ sáp nhập sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích người dùng, các nhà đầu tư của Grab và Gojek phải thống nhất các điều khoản sáp nhập. Điều này sẽ gây ra một số tranh cãi, vì hầu hết cổ phần của hai công ty này đều có xu hướng bị định giá quá cao. Tuy nhiên, thoả thuận giữa Grab và Gojek đang dần đi vào ngõ cụt khi phía Grab đã đưa ra yêu cầu rằng nhà sáng lập Anthony Tan sẽ là "CEO trọn đời" của công ty sau sáp nhập.

Mặc dù cả Grab và Gojek đều khởi đầu là các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe, nhưng trong tương lai, dịch vụ thanh toán kỹ thuật số và giao đồ ăn có thể sẽ được 2 công ty này ưu tiên.

Thị trường gọi xe đang dần trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là ở Singapore, khi đại dịch COVID-19 khiến mọi người có xu hướng làm việc từ xa thay vì đến công ty. Khi đó, người tiêu dùng sẽ đóng một vai trò quan trọng quyết định khả năng tăng giá trên thị trường gọi xe.

Liệu thương vụ sáp nhập Gojek – Grab có đáng lo ngại? - Ảnh 4.

Nhà sáng lập Anthony Tan của Grab (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, tác động của thương vụ này đối với các tài xế hiện vẫn là dấu hỏi. Điều khoản mà các tài xế phải tuân thủ đã thay đổi đáng kể khi các công ty dịch vụ gọi xe tích cực đăng tuyển số lượng lớn tài xế. Việc dịch COVID-19 tấn công Singapore cũng có sức ảnh hướng không hề nhỏ.

Triển vọng tăng trưởng trong hoạt động thanh toán của Grab đang trỗi dậy mạnh mẽ. Để xây dựng vị thế trong lĩnh vực kinh doanh mới, Grab đã xin giấy phép điều hành một ngân hàng số hợp tác cùng Dịch vụ Điện thoại di động Singtel tại Singapore. Sau khi sáp nhập, Grab sẽ được hưởng lợi lớn, thậm chí có thể trở thành kỳ lân đầu tiên của quốc đảo sư tử.

Mới đây nhất, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Gojek đang trong quá trình đàm phán với công ty dẫn đầu thị trường thương mại điện tử PT Tokopedia về khả năng sáp nhập. Công ty mới ra đời từ sự kết hợp này sẽ sớm IPO tại Mỹ và Indonesia. Vụ M&A này được kỳ vọng sẽ tạo ra 1 gã khổng lồ công nghệ tại Indonesia với tổng giá trị đạt hơn 18 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước