Liệu Tổng thống Putin sẽ giữ nhiệm kỳ trọn đời?

Tiến sĩ Vũ Thuỵ Trang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và SNG-Thứ tư, ngày 01/07/2020 17:38 GMT+7

VTV.vn - Trong các đề xuất sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga, có những thay đổi cho phép Tổng thống Putin tái lập thêm hai nhiệm kỳ và duy trì quyền lực cho đến năm 2036.

Hôm nay (1/7) diễn ra một cuộc bỏ phiếu toàn quốc về sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga. Trong số các đề xuất sửa đổi, có việc chuyển giao nhiều quyền lực hơn cho hai viện Quốc hội Nga cũng như những thay đổi cho phép Tổng thống Vladimir Putin tái lập thêm hai nhiệm kỳ và duy trì quyền lực cho đến năm 2036.

Liệu Tổng thống Putin sẽ giữ nhiệm kỳ trọn đời? - Ảnh 1.

Cử tri Nga đi bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp (Ảnh: RT)

Trước đó, vào ngày 20/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một dự luật cho Duma Quốc gia về việc sửa đổi Hiến pháp Nga. Ông đề xuất cấm quốc tịch nước ngoài đối với các quan chức cấp cao, tăng cường vai trò của Quốc hội, các Thống đốc và Hội đồng Nhà nước.

Đồng thời, ông cũng có đề xuất về tiêu chí mới cho các ứng cử viên Tổng thống, trong đó cho phép nguyên thủ quốc gia đương nhiệm được tiếp tục ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024.

Liệu Tổng thống Putin sẽ giữ nhiệm kỳ trọn đời? - Ảnh 2.

Bản sao quyển Hiến pháp Nga (Ảnh: RT)

Các sửa đổi đã được Duma Nhà nước thông qua và được công nhận là hợp pháp tại Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga và sẽ có hiệu lực sau khi được Ủy ban Bầu cử quốc gia phê duyệt từ kết quả của cuộc bỏ phiếu toàn Nga vào ngày 1/7/2020.

Sự "mở đường" cho tương lai cầm quyền vĩnh viễn của Vladimir Putin?

Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn nghĩ về người kế nhiệm ông là nguyên thủ quốc gia kể từ năm 2000. Ông đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Tài chính của Anh.

"Tôi có thể không cường điệu nói rằng tôi đã luôn nghĩ về điều này từ năm 2000. Tình hình đang thay đổi và những yêu cầu nhất định đối với mọi người cũng đang thay đổi. Cuối cùng, quyết định phải được đưa ra bởi người dân Nga. Chúng tôi là một quốc gia dân chủ. Sự lựa chọn luôn được người Nga đưa ra" - Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Liệu Tổng thống Putin sẽ giữ nhiệm kỳ trọn đời? - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: RT)

Trước đây, Tổng thống Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng, ông sẽ không thay đổi Hiến pháp để gia hạn nhiệm kỳ. Nhà báo Frank Herold, chuyên mục cho tờ báo Der Tagesspiegel của Berlin, tin rằng, Tổng thống Putin khó có thể rời bỏ vị trí dù ông có nói gì chăng nữa.

Có thể nói, những sửa đổi trong Hiến pháp sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho ông Putin, củng cố quyền lực của tổng thống lớn hơn. Ông Putin sẽ quyết định chuyển giao quyền lực cho ai, chuyển giao những gì và ông sẽ kiểm soát tất cả những điều này.

Mặc dù trong một bài phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Putin từng nói rằng, ông không ủng hộ ý tưởng xóa bỏ giới hạn về số lượng nhiệm kỳ của tổng thống Liên bang Nga, vì về lâu dài, xã hội cần có sự đảm bảo về sự thay đổi quyền lực thường xuyên. Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn ủng hộ nếu Tòa án Hiến pháp đưa ra kết luận chính thức rằng, việc sửa đổi như vậy sẽ không mâu thuẫn với các nguyên tắc của Luật cơ bản.

Theo ý kiến của Dmitri Badovsky, Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội và chính trị Nga, vô hiệu hóa thời hạn cầm quyền sẽ giúp ông Putin có thêm không gian và đảm bảo các sáng kiến ​​chính trị của mình. Ông Dmitri Badovsky cũng cho rằng: "Quyền được bầu không có nghĩa là ông Putin sẽ được lựa chọn mà nó sẽ phụ thuộc vào tình hình trên thế giới và ở Nga và hệ thống các nhánh quyền lực sẽ hoạt động như thế nào trong những năm tới. Nhưng sự tồn tại của một quyền như vậy sẽ là một cơ chế ổn định và an toàn cho cả hệ thống trong các điều kiện đổi mới thể chế".

Liệu Tổng thống Putin sẽ giữ nhiệm kỳ trọn đời? - Ảnh 4.

Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga diễn ra ngày 1/7/2020 (Ảnh: AP)

Theo các nhà phân tích chính trị, quyết định đề cử hay không đề cử ông Putin cho nhiệm kỳ mới sẽ được đưa ra gần hơn vào năm 2024 và Tổng thống Putin không nhất thiết phải nắm lấy cơ hội này. Quyết định này có thể bị ảnh hưởng, bao gồm kết quả của cuộc bầu cử tiếp theo của Duma Quốc gia và việc vô hiệu hóa nhiệm kỳ Tổng thống sẽ cần được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân Nga.

Vô hiệu hóa nhiệm kỳ Tổng thống không có nghĩa là ông Putin sẽ được bầu lần thứ năm. Đây sẽ là một lựa chọn dành cho ông. Người ta tin rằng, Tổng thống Putin sẽ tận dụng các tiêu chí mang tính đổi mới nhưng về mặt lý thuyết, Tổng thống có thể không sử dụng nó. Điều này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả trong nước và quốc tế.

Cũng có thể, nếu mọi thứ vẫn ổn ở Nga thì Vladimir Putin sẽ "đi vào bóng tối", dù vẫn là lãnh đạo quốc gia của Nga. Nhưng nếu tình hình ở Nga khủng hoảng, Vladimir Putin sẽ lại ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 và khi đó, người dân Nga sẽ tự quyết định vận mệnh đất nước mình.

Có thể hiểu, việc bỏ phiếu lần này liên quan đến việc vô hiệu hóa nhiệm kỳ Tổng thống không phải là một phần mở rộng của nhiệm kỳ Putin cho đến năm 2036 nhưng là một giải pháp cho vấn đề năm 2024. Nếu ông Putin không bị giới hạn bởi điều gì, ông cũng không phải gửi đi các tín hiệu rằng ông sẽ tiếp tục tại vị và giới tinh hoa Nga cũng không cần phải xây dựng một chiến lược để tìm kiếm vị tổng thống tương lai cho đất nước.

Nhận định trái chiều

Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ ông Putin, cũng có những ý kiến trái chiều, trong đó cho rằng, người Nga sẽ chuyển sang một chế độ "cá nhân hóa" chứ không còn là chế độ được quy định trong Hiến pháp cũ.

Tổng thống Vladimir Putin sẽ thiết lập một hệ thống "chia tách và phân quyền". Ông sẽ làm suy yếu các thể chế khiến các thể chế đó phụ thuộc vào ông. Ông sẽ đưa người không phải là các chính trị gia giữ vai trò lãnh đạo các thể chế đó - những người không có sự thừa nhận về năng lực chính trị.

Các nhà bình luận lo ngại, sẽ có một cuộc đấu tranh quyền lực khốc liệt. Ông Putin đã bổ nhiệm nhiều người ủng hộ và thân cận vào các vị trí cấp cao trong các tập đoàn nhà nước (Rosneft, Gazprom, Sberbank) hoặc các cơ quan chính phủ. Sự "hợp nhất" giữa Tổng thống Putin và các cộng sự thân cận của ông sẽ có nhiều khả năng đưa nhà nước và các công ty lớn thành các bệ đỡ, bàn đạp để đạt được tham vọng chính trị và lợi ích của giới tinh hoa.

Còn Ilya Shablinsky, giáo sư tại Trường Kinh tế cao cấp Nga cho rằng: "Từ quan điểm pháp lý, việc sửa một quy tắc thực sự ngăn chặn giới hạn hai nhiệm kỳ trong 12 năm đã được quy định trong Hiến pháp là việc làm vô lý. Điều này làm cho bản thân Hiến pháp trở nên vô nghĩa. Một sửa đổi như vậy đặt câu hỏi về ý nghĩa của Hiến pháp".

Con đường trở thành Tổng thống "trọn đời" của nhân dân Nga liệu có chông gai?

Ông Vladimir Putin đã cầm quyền Nga trong 20 năm. Ông là Tổng thống trong hai nhiệm kỳ 4 năm, từ 2000 đến 2008, sau đó ông là Thủ tướng trong 4 năm (2008 - 2012) và năm 2012, ông trở thành Tổng thống trong nhiệm kỳ 6 năm (năm 2008, Duma Quốc gia đã thông qua một sửa đổi như vậy theo Hiến pháp). Vào tháng 3/2018, ông lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và đi đến nhiệm kỳ thứ tư.

Không phải ngẫu nhiên mà đề xuất sửa đổi một số các quy định trong Hiến pháp lần này liên quan đến các tiêu chí cho ứng cử viên Tổng thống giai đoạn tới lại được chấp thuận nhanh chóng như vậy. Nó là cả một quá trình phấn đấu chính trị và chứng tỏ năng lực lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin trong những thời khắc chuyển giao của đất nước Nga.

Dưới sự lãnh đạo của ông, nước Nga đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, củng cố vị thế quốc tế... Đó là điều được thừa nhận rộng rãi không chỉ trong lòng nước Nga mà còn cả cộng đồng quốc tế.

Liệu Tổng thống Putin sẽ giữ nhiệm kỳ trọn đời? - Ảnh 5.

Tổng thống Nga Putin dự một hội nghị trực tuyến 6/2020 (Ảnh: AP)

Cựu Tổng thống B. Yeltsin, khi lựa chọn Putin là người kế nhiệm, đã từng lưu ý rằng: "Putin là một người đáng tin cậy, giữ "ngón tay" của mình theo nhịp đập của các sự kiện, cố gắng kiểm soát những gì đang xảy ra xung quanh".

Điều mà Tổng thống Vladimir Putin làm được, đó là cảm nhận rất tinh tế những gì người Nga bình thường nghĩ và phấn đấu. Ông Putin cảm nhận được sự vận động của xã hội Nga, hiểu được vị trí và vai trò của Nga trong cộng đồng thế giới trong nhiều thế kỷ và trong trật tự thế giới trong tương lai.

Khi lên nắm quyền, Vladimir Putin đã chẩn đoán rất chính xác các vấn đề của Nga, đó là sự yếu kém của quyền lực nhà nước và các cơ quan quản lý. Ông cho rằng, chìa khóa cho sự hồi sinh và trỗi dậy của nước Nga ngày nay là trong lĩnh vực quản trị quốc gia. Nhà nước Nga cần phải trở nên hùng mạnh để bảo đảm trật tự, là lực lượng khởi xướng và là động lực chính của bất kỳ thay đổi nào trong lòng nước Nga.

Nhìn lại thời gian trước đó, khi Vladimir Putin đồng ý với đề nghị của nữ phi hành gia đầu tiên, Valentina Tereshkova, để "vô hiệu hóa" nhiệm kỳ Tổng thống liên quan đến những thay đổi trong Hiến pháp, những người theo chủ nghĩa tự do trở nên "cuồng loạn" về việc Putin sẽ nắm quyền lực mãi mãi. Phương Tây cũng nhìn thấy một mối đe dọa trong cải cách Hiến pháp do Tổng thống khởi xướng, đó là cải cách nhằm loại bỏ các rủi ro làm suy yếu "quản trị" vào năm 2024 mà giới chóp bu phương Tây xác định là "yếu điểm" của hệ thống nhà nước Nga. Phương Tây dường như đang ủ mưu "trả đũa" Nga sau khi ông Putin lùi sâu vào "hậu trường chính trị", song những toan tính chống đối lại một nước Nga với vai trò lãnh đạo tiếp tục của Putin dường như không dễ dàng thực hiện.

Liệu Tổng thống Putin sẽ giữ nhiệm kỳ trọn đời? - Ảnh 6.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người nỗ lực bảo vệ vị thế và sức mạnh của nước Nga (Ảnh: AP)

Có thể nói, Vladimir Putin đã chuẩn bị hoàn hảo cho vai trò của một nhà lãnh đạo quốc gia với tất cả kinh nghiệm tích lũy trước đó. Vladimir Putin hoàn toàn phù hợp với những nhiệm vụ rất khó khăn mà Nga phải đối mặt hiện nay. Ông đã giải quyết chúng dần dần, ông đã thực hiện tốt cân bằng lợi ích của các nhóm tinh hoa và tầng lớp xã hội khác nhau.

Ông Putin đã từng nói: "Nước Nga chỉ có thể là một cường quốc hoặc nó sẽ không tồn tại".

Xuất phát từ những việc làm của ông Putin khiến nước Nga trở nên vĩ đại hơn sau 20 năm đã qua, người dân Nga vẫn có những niềm tin rằng, Vladimir Putin sẽ vẫn là một nhà lãnh đạo quốc gia sau năm 2024. Các cử tri Nga dường như rất phấn khích về những gì sẽ xảy ra sau năm 2024 và hầu như mọi người đều muốn sự hiện diện của Putin ở những thời điểm họ gặp khó khăn, họ mong sự trợ giúp và Tổng thống có thể hỗ trợ họ.

Nếu sự ủng hộ ông Putin tiếp tục được kéo dài, cơ hội trở thành nhà lãnh đạo nước Nga đến năm 2036 là hoàn toàn có thể. Khi đó, ông sẽ là vị Tổng thống trọn đời cống hiến cho những thay đổi mang tính bước ngoặt của nước Nga cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước