“Lò lửa” Trung Đông chực chờ bùng phát

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 07/04/2024 16:12 GMT+7

VTV.vn - “Lò lửa” Trung Đông chực chờ bùng phát trước nguy cơ xung đột giữa Israel và Iran lan rộng, với những mối lo về một cuộc chiến tranh ủy nhiệm leo thang trên diện rộng.

Tòa nhà lãnh sự của Iran tại Syria bị tấn công

Tình hình khu vực Trung Đông luôn được ví như một "lò lửa". Khi "ngọn lửa" xung đột Israel - Hamas vẫn rực cháy, tuần này, một "mồi lửa" nữa đã được thổi bùng lên, đó là cuộc không kích tiến hành hôm 1/4 nhằm vào tòa nhà lãnh sự nằm trong khu phức hợp của Đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria.

Iran cho biết tòa nhà đã bị nhắm mục tiêu bởi 6 tên lửa từ máy bay chiến đấu F-35 của Israel. Những người thiệt mạng là các công dân Syria và các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, trong đó có 2 chỉ huy cấp cao.

“Lò lửa” Trung Đông chực chờ bùng phát - Ảnh 1.

Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria) bị tên lửa Israel tấn công, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, ngày 1/4/2024. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Damascus, Tehran và nhiều nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc đều cho rằng quân đội Israel là bên thực hiện cuộc tấn công này. Ngoại trưởng Syria gọi đây là hành động "tấn công khủng bố"".

Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an sau vụ việc, nhiều nước đã lên án vụ việc, coi đây là sự xâm phạm các quy định và công ước quốc tế. Iran thì khẳng định nước này có quyền tiến hành các biện pháp đáp trả mạnh mẽ trước hành động thù địch của Israel.

Vụ tấn công vào tòa nhà lãnh sự của Iran được nhận định là đã chạm tới mốc ranh giới đỏ. Từ lãnh tụ tối cao của Iran cho tới người đứng đầu chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng của Iran... đều tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng. Điều mà quốc tế quan tâm đó là kịch bản nào có thể Iran sẽ lựa chọn - một cuộc tập kích trực diện nhằm vào Israel để trả đũa tương xứng hay sẽ là những đòn đánh ủy nhiệm do Tehran đã xây dựng được lực lượng thân hữu hùng mạnh ở khu vực, vây quanh nhà nước Do Thái? Rất nhiều thứ đang được đặt lên bàn cân lúc này.

Nguy cơ đối đầu giữa Iran và Israel

Sau khi tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán ở Syria bị tấn công, Iran ngay lập tức tuyên bố sẽ ra đòn trả đũa Israel.

Ông Ayatollah Ali Khamenei - Lãnh đạo tối cao của Iran - nói: "Israel sẽ tiếp tục thất bại tại Gaza và trong cả những nỗ lực vô vọng như những gì họ đã làm ở Syria. Họ sẽ phải nhận sự trả đũa cho hành động này".

Cộng đồng quốc tế ngay lập tức cảnh báo Iran thận trọng trong những bước đi tiếp theo.

Ông Khaled Khiari - Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách Trung Đông - phân tích: "Bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể khiến xung đột lan rộng trong khu vực vốn đã bất ổn, cùng những hậu quả tàn khốc đối với dân thường vốn đã phải chịu nhiều nỗi thống khổ tại Syri, Lebanon, vùng lãnh thổ Palestine và trên khắp Trung Đông".

Theo ông Uông Văn Bân - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Tình hình hiện nay tại Trung Đông đang rối ren, do vậy, Trung Quốc phản đối mọi hành động làm leo thang căng thẳng tại đây".

“Lò lửa” Trung Đông chực chờ bùng phát - Ảnh 2.

(Ảnh: AFP)

Một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Israel có nguy cơ sẽ khơi mào cho một cuộc xung đột lan rộng ở khu vực bởi Iran đã xây dựng cho mình được những lực lượng ủng hộ ở khu vực.

Thậm chí, giới phân tích đã đề cập tới khả năng một cuộc chiến âm thầm, ủy nhiệm thông qua các phong trào Hồi giáo vũ trang ở khu vực mà Iran bị cáo buộc hậu thuẫn như Hamas, Hezbollah, Houthi.

Lực lượng mạnh nhất trong các nhóm thân Iran là Hezbollah ở Lebanon. Phong trào này được cho là sở hữu khoảng 150.000 tên lửa và đạn dẫn đường chính xác đặt gần Israel. Hezbollah cũng đã chứng minh có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Israel. Chính Hezbollah cũng đã tuyên bố, cuộc tấn công ngày 1/4 sẽ vấp phải "sự trừng phạt và trả thù".

Kênh truyền hình Channel 12 ở Israel thì nhận định rằng Iran có khả năng sẽ trả đũa bằng cách phóng tên lửa trực tiếp từ lãnh thổ của mình thay vì thông qua bất kỳ nhóm ủy nhiệm nào. Một cuộc tấn công từ lãnh thổ Iran có khả năng sẽ buộc Israel phải đáp trả mạnh mẽ, khiến căng thẳng leo thang.

Trong diễn biến mới nhất, quân đội Israel hôm 4/4 cho biết đã củng cố lực lượng phòng không và huy động binh sĩ dự bị sau đánh giá an ninh mới nhất.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: "Chúng tôi biết cách tự vệ và sẽ hành động theo nguyên tắc đơn giản là bất cứ ai tấn công hoặc có ý định tấn công chúng tôi thì chúng tôi sẽ tấn công họ".

“Lò lửa” Trung Đông chực chờ bùng phát - Ảnh 3.

Quốc kỳ Iran treo rủ tại tòa nhà đại sứ quán 1 ngày sau cuộc không kích nhằm vào tòa nhà lãnh sự nằm trong khu phức hợp của Đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria (Ảnh: AFP)

Ông Mostafa Khushcheshm - nhà phân tích chính trị - cho biết: "Căng thẳng xuyên biên giới Israel sẽ leo thang. Tôi tin rằng họ cũng có thể nhận sự đáp trả bằng các cuộc tấn công rất đặc biệt, các cuộc tấn công trong lãnh thổ Israel. Iran có rất nhiều lựa chọn. Tôi cho rằng sẽ có những động thái đặc biệt vì lần này Iran muốn gửi đi một tín hiệu rất mạnh mẽ".

Cho dù thế nào, việc leo thang quân sự vào thời điểm hiện nay sẽ không có lợi cho cả hai bên, trong bối cảnh Israel đang vướng vào cuộc xung đột kéo dài ở Gaza gây ra làn sóng phản đối ở trong nước và quốc tế. Còn đối với Iran, việc có các động thái quân sự với Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, được nhận định là một hành động tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vòng xoáy căng thẳng Israel - Iran

Vụ việc lần này đang khoét sâu vào mối thâm thù kéo dài hàng chục năm qua giữa Israel và Iran. Tại Trung Đông, nhà nước Do Thái Israel đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng và thực tế là nhiều quốc gia Arập đang xích lại gần hơn với chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Còn Iran luôn định vị mình là quốc gia ở tuyến đầu Trung Đông đứng lên chống lại Mỹ và Israel.

Vụ việc tấn công lãnh sự quán Iran lần này có thể khiến mối quan hệ kình địch giữa hai bên lên một nấc thang căng thẳng mới.

Quan hệ Israel - Iran bắt đầu trở nên thù địch sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Năm 1982, Iran thành lập lực lượng dân quân Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon, chiến đấu chống lại Israel trong cuộc chiến tại Lebanon.

Vào đầu những năm 2000, căng thẳng gia tăng khi Iran đạt tiến bộ trong phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Năm 2006, khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hezbollah, Tel Aviv cáo buộc Tehran đã cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang ở Lebanon, cho phép họ tấn công sâu vào lãnh thổ Israel.

Năm 2009, Iran cáo buộc hai nước Israel và Mỹ phá hoại chương trình hạt nhân của họ bằng phần mềm mã độc mang tên Stuxnet. Iran cũng cho rằng Israel đã ám sát một số nhà vật lý và kỹ sư chuyên ngành ở Tehran.

Năm 2015, khi Iran và nhóm P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân, Israel đã phản ứng gay gắt, cho rằng điều này không thể ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Năm 2023, trong xung đột Israel - Hamas tại Dải Gaza, Iran tuyên bố ủng hộ Hamas chống lại Israel, kêu gọi các nước Hồi giáo cấm vận Israel.

“Lò lửa” Trung Đông chực chờ bùng phát - Ảnh 4.

(Ảnh: AFP)

Có thể nói, mối quan hệ đối địch giữa Iran và Israel đã kéo dài và rất khó để nhìn thấy được triển vọng giải quyết các mâu thuẫn đã chất đống hàng chục năm. Thời gian qua, cả hai bên đã duy trì lập trường là tránh một cuộc đối đầu trực diện. Tuy nhiên, vụ tấn công vào toàn nhà lãnh sự của Iran lần này có thể là giọt nước tràn ly, làm thay đổi cán cân tình hình vốn rất mong manh ở Trung Đông. Cuộc tấn công trên cũng là bằng chứng cho thấy xung đột Israel - Hamas kéo dài 6 tháng qua có thể lan rộng ra ngoài khu vực Dải Gaza với nhiều bên liên quan hơn và làm cho tình hình khu vực thêm phức tạp.

Nguy cơ đối đầu Iran - Israel Nguy cơ đối đầu Iran - Israel Đại sứ quán Iran ở Syria bị ném bom, 7 nhà ngoại giao thiệt mạng Đại sứ quán Iran ở Syria bị ném bom, 7 nhà ngoại giao thiệt mạng Iran tố Israel đứng sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Iran tố Israel đứng sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước