Lo ngại nguy cơ IS trỗi dậy sau vụ tấn công khủng bố ở Oman khiến 9 người thiệt mạng

Đàm Linh (Theo AFP, Al Jazeera)-Thứ tư, ngày 17/07/2024 11:15 GMT+7

Hiện trường tại đền thờ Hồi giáo ở Oman, nơi diễn ra vụ nổ súng khủng bố, ngày 16/7 (Ảnh: AFP)

VTV.vn - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm vụ tấn công vào một thánh đường Hồi giáo ở Oman khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, bao gồm 3 đối tượng tấn công.

Ngày 16/7, cảnh sát Oman đã tiêu diệt 3 nghi phạm liên quan vụ nổ súng gần một nhà thờ Hồi giáo của người Shiite ở thủ đô Muscat của Oman, nâng tổng số người thiệt mạng lên 9 người, bên cạnh 30 người bị thương.

Các quan chức Pakistan cho biết có 4 công dân nước này nằm trong 6 nạn nhân xấu số liên quan vụ việc mà Bộ Ngoại giao Pakistan mô tả là cuộc "tấn công khủng bố" nói trên. Bộ Ngoại giao Pakistan cũng đánh giá cao chính phủ và cơ quan chức năng Oman khi đã tiêu diệt được các đối tượng tấn công.

Cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Muscat cho biết họ đang theo dõi các báo cáo về vụ việc. Đại sứ quán Mỹ cũng khuyến cáo người dân nước này nên cảnh giác, liên tục cập nhật tin tức sở tại và chú ý đến các chỉ dẫn của chính quyền địa phương.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hôm 16/7 đã nhận trách nhiệm vụ khủng bố này. Theo IS, 3 đối tượng là thành viên của nhóm đã tấn công các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite đang tham gia cầu nguyện trong dịp lễ Ashura.

Lo ngại nguy cơ IS trỗi dậy sau vụ tấn công khủng bố ở Oman khiến 9 người thiệt mạng - Ảnh 1.

Vụ tấn công khủng bố mới nhất ở Oman, một quốc gia có tình hình an ninh tốt, đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ IS trỗi dậy trong khu vực (Ảnh: AFP)

Oman được đánh giá là một trong những quốc gia có tình hình an ninh ổn định nhất ở khu vực Trung Đông. Cuộc tấn công mới nói trên xảy ra khi người Hồi giáo dòng Shiite đang thực hành nghi lễ tưởng nhớ thế kỷ 7 ngày cháu trai Iman Hussein của nhà tiên tri Mohammed qua đời. Trong thời gian thực hành nghi lễ này, đôi khi nảy sinh căng thẳng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và người Hồi giáo dòng Shiite ở một số nước, song, ở Oman không phải là điển hình.

Một số cuộc tấn công vào các nhà thờ Hồi giáo của người Shiite đã gây chấn động vùng Vịnh trong những năm gần đây nhưng đây là vụ đầu tiên ở Oman.

Điển hình là vụ tấn công liều chết năm 2015 nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo của người Shiite ở Kuwait đã giết chết ít nhất 27 tín đồ và làm bị thương hơn 200 người. Vụ việc này do nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan dòng Sunni tuyên bố. Cùng năm đó, Saudi Arabia chứng kiến 2 vụ tấn công vào các nhà thờ Hồi giáo của người Shiite trong vòng 1 tuần, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng. IS lại tiếp tục nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công này, vốn coi người Shiite là những kẻ dị giáo.

Vụ tấn công khủng bố mới nhất ở Oman đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ IS trỗi dậy trong khu vực. Sau vụ khủng bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall ở Nga hồi tháng 3 và vụ đánh bom tự sát ở Kerman (Iran) hồi đầu năm, có thể thấy nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang trỗi dậy từng ngày.

Nhiều chuyên gia nhận định, IS ở các khu vực hoạt động ban đầu của chúng là Syria và Iraq cũng tăng sức mạnh. IS ngày nay tồn tại dưới một hình thức mà chúng có sức mạnh về mặt ý thức hệ ngay cả khi về mặt chính trị, chiến thuật hoặc chiến lược không còn mạnh nữa. Việc đối phó triệt để IS vẫn là một câu hỏi lớn vào thời điểm mà xáo trộn địa chính trị toàn cầu đã khiến hoạt động chống khủng bố bị gác lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước