Nghiên cứu mới nhất của Đại học Toronto tại Canada đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đang khiến gấu bắc cực trở thành một trong những loài vật dễ bị tổn thương nhất trên Trái đất.
Theo kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức cao, các nhà nghiên cứu nhận thấy khả năng sống sót của gấu sẽ không thể xảy ra ở phần lớn bắc cực vào năm 2100 do băng tan. Nếu gấu bắc cực sống trong điều kiện không có băng thì chúng chỉ có thể cầm cự được 5 tháng.
Ông Steven Amstrup - Đồng tác giả nghiên cứu về gấu bắc cực cho biết: "Băng tan, buộc gấu bắc cực phải sống trên mặt đất, nơi chúng phải dựa vào nguồn dự trữ chất béo do thiếu thức ăn, chúng phải chờ đợi tới khi có băng trở lại vào mùa thu. Nếu thời gian chờ đợi càng kéo dài, hoặc băng biến mất thì chất béo dự trữ sẽ càng ít đi và cạn kiệt dần".
Cũng theo các nhà khoa học, nếu có một "kịch bản phát thải vừa phải" thì nhiều quần thể phụ của gấu bắc cực có thể tiếp tục tồn tại trong thế kỷ này. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm thiểu mạnh mẽ khí thải nhà kính sẽ là điều cần thiết để cứu gấu bắc cực khỏi sự tuyệt chủng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!