Lối đi nào cho vaccine Sputnik V của Nga?

Tiến sĩ Vũ Thụy Trang - Viện nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam-Thứ bảy, ngày 30/10/2021 13:26 GMT+7

VTV.vn - Sputnik V, loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng trên thế giới, đang ở "vạch đích" để được WHO cấp phép. Hành trình của vaccine Nga liệu sẽ "có hậu"?

Đối thoại về việc đăng ký vaccine của Nga - Sputnik V tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang diễn ra ở "vạch đích". Đây là công bố hôm thứ Tư (27/10) của Giám đốc Phòng thí nghiệm về cơ chế biến đổi quần thể của vi sinh vật gây bệnh tại Trung tâm Gamaleya, ông Vladimir Gushchin.

"Vấn đề của WHO thực chất là về việc nộp tài liệu và thông qua thủ tục mà chúng tôi đã hoàn thiện ở Liên bang Nga, được WHO công nhận. Rõ ràng cần phải chuẩn bị mọi thứ để WHO cấp phép vaccine trong tương lai gần" - ông Gushchin nói. Theo ông, vaccine sẽ nhận được phê chuẩn của WHO trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 20/10, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo rằng, WHO đã tiếp tục xem xét đơn xin cấp phép cho vaccine Sputnik V.

Vaccine Sputnik V - thành tựu y học Nga và hành trình "gian nan"

Theo nhận định mới nhất của ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya, vaccine Sputnik V có thể bảo vệ chống lại tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến chủng mới nhất của biến thể Delta có tên AY.4.2.

Lối đi nào cho vaccine Sputnik V của Nga? - Ảnh 1.

Vaccine Sputnik V của Nga (Ảnh: RG.RU)

Sự ra đời và được chấp nhận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của vaccine Sputnik V đã đánh dấu bước ngoặt lớn cho nền y học nước Nga, đồng thời đưa nước Nga vào cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác trên thế giới.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, việc chấp nhận vaccine Sputnik V của Nga ở cấp độ quốc gia và được tiêm chủng rộng rãi cho người dân không chỉ ở Nga mà còn nhiều nước trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Quả thực, để người dân có thể tiếp cận với vaccine an toàn và có tính hiệu quả cao không đơn giản, phụ thuộc phần nhiều vào các cách thức tiếp cận và vào mối quan hệ giữa các chủ thể của quan hệ quốc tế với nhau.

Vaccine Sputnik V đã được thừa nhận như thế nào?

Sputnik V là vaccine phòng COVID-19 được phát triển bởi Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh học quốc gia Gamalaya của Liên bang Nga. Vaccine Sputnik V của Nga đã được thừa nhận ở 70 quốc gia trên thế giới, hiện nay có hơn 50 quốc gia đã đặt mua với khoảng 1,2 tỷ liều. Những khách hàng lớn nhất của vaccine Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Argentina. Ngoài ra còn có các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông, bán đảo Balkan, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)...

Lối đi nào cho vaccine Sputnik V của Nga? - Ảnh 2.

Vaccine Sputnik V của Nga đã được thừa nhận ở 70 quốc gia trên thế giới (Ảnh: TASS)

Cả thế giới cần khoảng 3 - 5 tỷ liều, trị giá khoảng 75 tỷ USD. Các nhà sản xuất của Nga có kế hoạch cạnh tranh 1/4 số tiền này và vào cuối năm 2021, sẽ cung cấp 1 tỷ liều ra thị trường thế giới. Giá của vaccine Nga chưa được tiết lộ, tuy nhiên, được dự đoán một liều sẽ có giá không quá 20 USD.

Tiềm năng của vaccine Nga trên thị trường toàn cầu với chi phí mỗi liều như vậy ước tính khoảng 20 tỷ USD, sau khi Nga tuyên bố dự kiến sẽ chiếm khoảng một phần tư nhu cầu thế giới. Tuy nhiên, con số này chỉ là tham vọng của Nga vì trên thực tế, năng lực sản xuất của Nga có giới hạn, khó có thể cạnh tranh so với các nhà sản xuất của phương Tây.

Sở dĩ có nhận định này là do hầu hết các quốc gia đạt được các thỏa thuận với Nga nhưng chỉ nhận được một phần chuyển giao vaccine ít ỏi. Chẳng hạn, Venezuela vào tháng 12/2020 đã ký hợp đồng cung cấp Sputnik V để tiêm phòng 10 triệu người, tương ứng với 20 triệu liều. Chính quyền Venezuela dự kiến ​​sẽ nhận được toàn bộ lô cho đến cuối quý đầu tiên của năm 2021 nhưng chỉ có 430.000 liều đã được cung cấp. Honduras chỉ nhận được 40.000 liều Sputnik V từ đơn đặt hàng 4,2 triệu liều, Sri Lanka - 15.000 trong số 13 triệu liều, Uzbekistan - 100.000 trong số 1 triệu liều.

Thông tin về việc cung cấp vaccine Nga ra nước ngoài không được công bố. Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga không đưa thông tin về số lượng liều và những quốc gia nào được giao, để đánh giá điều này chỉ có thể thông qua các tuyên bố của các đại sứ quán và các quan chức dành cho giới báo chí. Kế hoạch nhập khẩu vaccine của quốc gia nào là do các quan chức tuyên bố trên các phương tiện truyền thông, khi họ đạt được thỏa thuận với phía Nga.

Theo các nghiên cứu của Forber, dựa trên các số liệu của các đại sứ quán ở Nga trên thế giới cũng như các thông tin trên các phương tiện thông tin và truyền thông, Nga đã đồng ý với các quốc gia khác về việc xuất khẩu hơn 205 triệu liều Sputnik V, đủ để tiêm cho ít nhất 100 triệu người trên toàn thế giới.

Lối đi nào cho vaccine Sputnik V của Nga? - Ảnh 3.

Lô vaccine Sputnik V được gửi tới các quốc gia (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, theo Forber, trên thực tế Nga mới chỉ thực hiện được 8% các cam kết của mình. Theo tính toán, đến 12/5/2021, Nga đã sản xuất 33 được triệu liều Sputnik V, và xuất khẩu khoảng 15 triệu liều. Trong khi đó, các nhà sản xuất khác của Mỹ và Anh đã sản xuất hàng trăm triệu liều hàng tháng và tăng đáng kể so với Nga về khối lượng. Hiện cũng không ai có thể biết được Nga dành ưu tiên như thế nào cho các đối tác khi cung cấp vaccine.

Theo các nhà phân tích của Economist Intelligence Unit trong báo cáo "Điều gì sẽ xảy ra với ngoại giao vaccine?", Nga và Trung Quốc được coi là có các mục tiêu địa chính trị khi cung cấp vaccine. Các nước phương Tây đã cung cấp hơn một nửa nguồn cung cấp vaccine của thế giới trong năm 2021 để tiêm chủng cho các công dân của mình. Điều này cho phép Nga và Trung Quốc trở thành các vị "cứu tinh" cho các nước đang phát triển. Nga cũng được cho là sử dụng Sputnik V để cạnh tranh với EU trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên thực hiện chiến dịch tiêm chủng chậm, ví dụ như ở các quốc gia phía đông của Liên minh châu Âu hay miền Tây Balkan.

Cách nhìn của EU đối với vaccine Sputnik V

Các chuyên gia của Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) đã có thời gian dài thẩm định vaccine của Nga, bao gồm nghiên cứu tài liệu về sản xuất, thử nghiệm và các nghiên cứu của vaccine Sputnik V bắt đầu từ 4/3/2021 và kéo dài cho đến nay nhưng vẫn chưa có khẳng định chính thức về việc đồng ý phê duyệt Sputnik V. Tiến trình này sẽ kéo dài bao lâu đến nay vẫn chưa rõ ràng.

So với vaccine phê duyệt đầu tiên của EU đối với Pfizer/Biontech, toàn bộ quá trình chỉ mất hơn hai tháng. Còn đối với vaccine Moderna của Mỹ, thời gian còn ít hơn kể từ khi bắt đầu kiểm tra cho đến khi khuyến nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký cho vaccine này.

Tuy nhiên, Sputnik V được giới khoa học Nga khẳng định cho hiệu quả ở mức 91,6% nhưng lại chưa được phê chuẩn.

Với tình huống như vậy, Sputnik V không thể được sử dụng rộng rãi ở châu Âu vì chưa được nằm trong danh sách vaccine được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. EMA cũng không lý giải các nguyên nhân lại trì hoãn lâu như vậy.

Lối đi nào cho vaccine Sputnik V của Nga? - Ảnh 4.

Sputnik V được giới khoa học Nga khẳng định cho hiệu quả ở mức 91,6% nhưng lại chưa được phê chuẩn (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu đã quyết định tự đi theo cách riêng và phê duyệt vaccine ở cấp quốc gia. Tại EU, Hungary đã trở thành quốc gia đầu tiên tiếp nhận vaccine Sputnik V sau khi vào tháng 11/2020, các mẫu thuốc để thực hiện nghiên cứu đã được chuyển đến. Và vào tháng 2/2021, Sputnik V cuối cùng đã cơ quan y tế của Hungary chấp thuận, sau đó bắt đầu được tiêm phòng rộng rãi cho người dân.

Ở Slovakia, việc mua 200 nghìn liều vaccine chưa được châu Âu phê chuẩn đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong chính phủ, khiến Thủ tướng Igor Matovich của nước này phải từ chức. Chỉ có khoảng 15 nghìn người dân của Slovakia mong muốn vaccine Nga mà thôi. Có tới hơn 160 nghìn liều hết hạn không được sử dụng cuối cùng đã được Nga mua lại.

Serbia cũng đã tiếp nhận khoảng 2 triệu liều vaccine đã được giao từ đầu năm 2021. Theo người chịu trách nhiệm về Chính phủ Serbia về đổi mới và công nghệ, vào cuối năm, quốc gia này dự kiến ​​sẽ sản xuất khoảng 4 triệu liều Sputnik V ở trong nước để tiêm cho công dân Serbia và công dân của các quốc gia khác trong khu vực.

Các quốc gia EU khác bao gồm Áo, Đức và Pháp thì thận trọng theo sát tình hình vì cho rằng, không có sự cho phép EMA thì không thể sử dụng Sputnik V. Nhưng ngay cả khi Sputnik V sẽ đăng ký ở châu Âu trong tương lai rất gần, vaccine này cũng sẽ phải cạnh tranh với các loại vaccine đã được phê duyệt.

Liệu cấp phép vaccine Nga có bị chính trị hóa không?

Một vấn đề đặt ra là liệu vaccine Sputnik V của Nga có bị chính trị hoá không, bởi vì nếu như mối quan hệ giữa Nga và EU không căng thẳng như hiện nay thì rất có thể vaccine này của Nga đã được thừa nhận ở EU. Vào ngày 13 tháng 9 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov kêu gọi EU từ bỏ chính trị hóa vấn đề của vaccine Nga.

Các chuyên gia châu Âu thận trọng khi nhắc tới vaccine Sputnik V, chuyển từ chỗ băn khoăn tại sao vaccine Nga không được thừa nhận sang hoài nghi về vaccine này. Bởi thông thường, sản xuất vaccine là một vấn đề phức tạp và và cần thời gian dài để thử nghiệm, cần phải thực hiện ba giai đoạn của các nghiên cứu lâm sàng, kiểm tra sự an toàn và hiệu quả của vaccine đối với hàng ngàn bệnh nhân. Những quan sát bệnh nhân sau tiêm rất cần thiết, có thể phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm vì tác dụng phụ không thể xuất hiện ngay lập tức. Chính điều này gây nên những hoài nghi về tính hiệu quả vaccine Sputnik V của Nga ở nhiều chuyên gia khi được sản xuất và chấp thuận trong thời gian ngắn.

Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, cho biết: "Các tập đoàn phương Tây dường như không muốn trông "xấu xí" khi cho rằng các nhà sản xuất Nga đang 'vượt mặt" họ, chính bởi vậy truyền thông mới đưa ra thông tin như mang tính kết luận rằng, vaccine Nga thật khó hiểu, chất lượng kém, chưa được kiểm tra".

Công dân đã tiêm Sputnik V ở EU

Ngày 3/8/2021, Uỷ ban Châu Âu đã có thông báo công nhận chứng nhận số tiêm phòng COVID-19 ở San Marino - nơi mà vaccine Sputnik V được tiêm rộng rãi. Điều này làm dấy lên câu hỏi: liệu Sputnik V đã được công nhận ở EU hay chưa, những người đã tiêm Sputnik V có thể vào lãnh thổ EU hay không, khi có chứng chỉ tiêm vaccine mà chưa được công nhận ở EU thì có được đi lại tự do giữa các nước trong cộng đồng hay không?

Đại diện trong EMA cho biết, họ không trả lời về các quyết định liên quan đến việc đi lại trong EU và các điều kiện liên quan đến tiêm chủng, chẳng hạn như chứng chỉ vaccine dạng số và cho rằng, đây là một câu hỏi thuộc về Ủy ban Châu Âu và chính các thành viên trong khối. Các nước thành viên có thể công nhận chứng chỉ tiêm chủng được phê duyệt ở cấp quốc gia hoặc WHO.

Trên thực tế, điều này có nghĩa, quốc gia thành viên EU, ví dụ như Hungary, có quyền phát hành chứng nhận số về tiêm chủng vaccine Sputnik V nhưng các nước EU còn lại có thể xem xét tiếp nhận hoặc không tiếp nhận các chứng nhận này.

Tóm lại, về triển vọng, Sputnik V có thể sẽ vẫn được thừa nhận ở EU vì điều này quan trọng cho gia tăng du lịch và hợp tác kinh tế, trao đổi văn hoá và trao đổi sinh viên. Sự công nhận của các tổ chức quốc tế đối với Sputnik V mở ra cơ hội cho hợp tác kinh tế, cho Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga tiếp cận với các quỹ tiền tệ quốc tế đảm bảo khả năng cơ hội tiêm vaccine ở các nước mà không thể sản xuất hoặc không có năng lực để mua.

Tuy nhiên, việc công nhận vaccine Nga ở EU vẫn còn rất mờ mịt. Ngày 7/9/2021, đại diện của EMA Marco Cavalery báo cáo rằng, cơ quan quản lý chưa có ngày cụ thể phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga và Sinovac của Trung Quốc vì cần thêm thông tin về vaccine.

Khi trả lời hãng thông tấn TASS của Nga về các thông tin mà vaccine này bị cáo buộc thiếu dữ liệu hoặc những dữ liệu được cấp không phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu, EMA đã đưa ra bình luận rằng: "Khi mà quá trình thẩm định còn đang được tiến hành thì chúng tôi không thể đưa ra bình luận cho các số liệu và thông tin mà chúng tôi đang nghiên cứu hay đưa ra bất kỳ một điều chi tiết gì. Thông tin cần thiết sẽ được đưa vào báo cáo cuối cùng được công bố trên trang web của cơ quan".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước