Lối thoát nào cho xung đột ở Dải Gaza?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 03/03/2024 11:17 GMT+7

VTV.vn - Thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza nếu đạt được sẽ là khoảng lặng hòa bình đầy quý giá để các bên liên quan có thể tính toán những bước đi tiếp theo để hạ nhiệt xung đột.

Gần 5 tháng kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, cuối cùng cũng đã có một tia hy vọng về hạ nhiệt căng thẳng. Dư luận quốc tế lạc quan về một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên có thể đạt được ngay trong tuần tới.

Thỏa thuận này liệu có mở đường cho những nỗ lực tiếp theo để thúc đẩy hòa bình ở Gaza? Đó sẽ là một lốt thoát cho xung đột hay chỉ là một khoảng lặng tạm thời trong cuộc chiến hiện nay giữa Israel và Hamas?

Triển vọng thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas

Tuần này, chiến sự tại Dải Gaza chạm cột mốc đau buồn khi có 30.000 người thiệt mạng. Hầu hết thương vong đều là dân thường, trong đó trẻ em và phụ nữ chiếm tới gần 70%.

Kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas bùng phát vào tháng 1/2023, cộng đồng quốc tế đã liên tục triển khai các nỗ lực ngoại giao để tìm lối thoát cho xung đột. Tuy nhiên, những mâu thuẫn chồng chất kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Hamas đã khiến tiếng súng tại Dải Gaza chưa bao giờ ngừng suốt gần 5 tháng qua. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ có một bước ngoặt vào tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo sắp tới nhờ những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và các đối tác Ai Cập, Qatar.

Lối thoát nào cho xung đột ở Dải Gaza? - Ảnh 1.

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 28/2/2024 (Ảnh: THX/TTXVN)

Đại diện Ai Cập, Qatar, Mỹ, Israel và Hamas đã có mặt tại Qatar để thảo luận một thỏa thuận ngừng bắn trước tháng chay Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu vào ngày 10/3 tới. Dù không có cuộc gặp trực tiếp nào, song, sự có mặt của các đại diện Israel và Hamas trong các cuộc đàm phán riêng rẽ ở Qatar cho thấy tiến triển sau những thất bại trước đó.

Đề xuất dự thảo gồm giai đoạn ngừng bắn hoàn toàn đầu tiên kéo dài 40 ngày tại Dải Gaza. Các con tin Israel, gồm phụ nữ, trẻ em dưới 19 tuổi, người trên 50 tuổi và người bệnh được thả để đổi lấy tù nhân người Palestine đang bị Israel giam giữ. Theo đề xuất, 40 con tin Israel thuộc diện nói trên sẽ được thả để đổi 400 tù nhân Palestine, tỷ lệ là 1 đổi 10.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ Israel đã đồng ý ngừng các hoạt động quân sự trong tháng Ramadan. Còn phía Hamas cho biết "một số sửa đổi mới" đã được đề xuất về các vấn đề còn gây tranh cãi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng ta đang tới rất gần rồi. Tôi hy vọng là thứ Hai tới sẽ thấy được một lệnh ngừng bắn".

Các bên trung gian cũng lạc quan nhưng vẫn thận trọng trước khi đạt được thoả thuận cuối cùng.

Ông Majed Mohammed Al-Ansari - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qatar – nói: "Chúng tôi luôn nói tới việc giảm căng thẳng trước tháng Ramadan. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đó. Hiện chưa có thỏa thuận nào nhưng chúng tôi vẫn đang đàm phán trên mọi khía cạnh".

Điều khoản ngừng bắn và trao đổi con tin có thể còn được cân đong đo đếm để đi tới thống nhất nhưng những điều khoản về nhân đạo được đánh giá là dễ đạt được. Theo dự thảo thỏa thuận, toàn bộ dân thường sơ tán sẽ được cho về miền bắc Dải Gaza dần dần, ngoại trừ nam giới trong độ tuổi tòng quân. Trong giai đoạn ngừng bắn, mỗi ngày sẽ có 500 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

Lối thoát nào cho xung đột ở Dải Gaza? - Ảnh 2.

Người dân Palestine tập trung tại một bờ biển để nhận hàng cứu trợ (Ảnh: Sky News)

Những ngày này, tin tức về một lệnh ngừng bắn tạm thời đang tới với người dân Gaza nhưng điều họ mong đợi là thứ gì đó chắc chắn hơn.

Bà Rehab Redwan - người dân Gaza phải đi di tản - chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn chứ không phải tạm thời. Chúng tôi không muốn lại quay lại chiến tranh khi thoả thuận kết thúc".

Ông Faraj Bakroon - người dân Gaza phải đi di tản - bày tỏ: "Trước đây cũng đã có ngừng bắn tạm thời rồi chiến tranh lại nổ ra và cứ thế lặp đi lặp lại. Cái chúng tôi muốn là một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn".

Dù kết quả có thể nào, đó cũng sẽ là cơ hội để Gaza tạm thời bớt tiếng súng sau gần 5 tháng đỏ lửa.

Trong diễn biến mới nhất, hơn 100 người Palestine đã thiệt mạng trong vụ tấn công đẫm máu xảy ra hôm 29/2 tại khu vực phía Bắc Gaza khi họ đang chờ nhận đồ cứu trợ. Vụ việc này không rõ là vô tình hay cố ‎ý và chưa có kết luận chính thức nguyên nhân là gì nhưng rõ ràng nó sẽ cung cấp cho Israel một chỉ dấu về khả năng phản kháng của Hamas. Bởi theo lẽ tự nhiên, sau một vụ việc như thế này thì lực lượng Hamas sẽ phải phát động làn sóng đáp trả Israel. Nhưng liệu Hamas có còn đủ nguồn lực để tiến hành một làn sóng đáp trả như vậy hay không? Đây là điều mà giới quan sát khu vực đang chú ý theo dõi.

Liệu một sự cố như hôm 29/2 có đẩy thỏa thuận ngừng bắn trở nên xa vời hay không? Câu trả lời là có, nếu Hamas còn đủ khả năng vùng lên. Còn nếu không, thì nó giúp cho Israel đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với những lợi thế. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây cũng đã tuyên bố ông sẽ cự tuyệt tất cả các sức ép quốc tế nhằm chấm dứt chiến tranh, cho tới khi nào Israel chưa đạt được những kết quả quan trọng trên chiến trường.

"Quả bom nổ chậm" Rafah

Israel đã khẳng định dù kết quả đàm phán thế nào sẽ vẫn sẽ theo đuổi mục tiêu luôn nhất quán từ đầu cuộc chiến đó là phá hủy hoàn toàn năng lực quân sự và cơ sở hạ tầng của Hamas. Tại điểm nóng chiến sự lớn nhất là thành phố Rafah - thành phố cuối cùng của Gaza - đến nay chưa xuất hiện bộ binh Israel.

Thành phố Rafah có vị trí giáp với Ai Cập. Đây là điểm khởi đầu của các chuyến hàng viện trợ qua Ai Cập vào Gaza và cũng là lối ra duy nhất từ Gaza mà không dẫn đến lãnh thổ Israel. Rafah hiện là nơi lánh nạn của khoảng 1,4 triệu người Palestine sơ tán chiến tranh. Tuy nhiên, quân đội Israel cho biết tấn công vào Rafah là lựa chọn không thể không thực hiện nhằm đánh bại Hamas bởi đây được cho là thành trì cuối cùng của Hamas.

Lối thoát nào cho xung đột ở Dải Gaza? - Ảnh 3.

Thành phố Rafah bị tàn phá sau các cuộc không kích của Israel hôm 19/2 (Ảnh: AFP)

Thế giới đang nín thở trước một thảm họa nhân đạo khó tránh khỏi nếu Israel tấn công trên bộ ở Rafah. Thành phố Rafah ở miền Nam Gaza như "một quả bom" chờ ngày phát nổ sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố bộ binh Israel sẽ tiến quân vào Rafah bất chấp kết quả của các cuộc đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin ở Gaza. Ông Netanyahu nhấn mạnh nếu các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn, việc tấn công Rafah sẽ "được trì hoãn phần nào" những vẫn sẽ diễn ra. Việc đưa bộ binh vào Rafah sẽ giúp Israel có được chiến thắng hoàn toàn trước Hamas trong "vài tuần tới".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: "Những ai muốn ngăn cản chúng tôi tấn công Rafah về cơ bản đang nói với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ thua cuộc chiến trước Hamas".

Để chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ, quân đội Israel được lệnh sơ tán dân thường Palestine khỏi thành phố Rafah.

Ông Benny Gantz - thành viên Nội các chiến tranh của Israel - cho biết: "Một chiến dịch trên bộ ở Rafah sẽ bắt đầu sau khi người dân Palestine được sơ tán khỏi khu vực. Mục tiêu của kế hoạch tấn công Rafah là tiêu diệt lực lượng Hamas đang hoạt động ở đó và phi quân sự hóa Dải Gaza".

Liên hợp quốc cảnh báo một cuộc tấn công trên bộ của Israel vào thành phố Rafah sẽ "đặt dấu chấm hết" cho công tác cứu trợ nhân đạo ở Dải Gaza. Hậu quả sẽ đặc biệt thảm khốc trong bối cảnh nạn đói vẫn đang hoành hành tại Gaza, ảnh hưởng tới ít nhất 576.000 người, tương đương 1/4 dân số ở Dải Gaza.

Lối thoát nào cho xung đột ở Dải Gaza? - Ảnh 4.

Người Palestine xếp hàng để nhận bữa ăn miễn phí ở Rafah, Dải Gaza, ngày 21/12/2023 (Ảnh: AP)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Tôi đặc biệt lo ngại trước những báo cáo cho rằng quân đội Israel có ý định tấn công vào Rafah. Một hành động như vậy sẽ làm gia tăng theo cấp số nhân những gì vốn đã là cơn ác mộng nhân đạo, với những hậu quả không thể kể siết trong khu vực".

Tổ chức Bác sĩ không biên giới cũng quan ngại kế hoạch của Israel sẽ làm leo thang các thảm họa nhân đạo, trong bối cảnh nhiều dân thường Palestine tại Rafah lúc này đã phải sơ tán rất nhiều lần kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.

Cô Shadia Al-Farra - người dân Palestine - chia sẻ: "Chúng tôi từng cho rằng ở đây là an toàn nhưng giờ họ lại đang muốn di dời chúng tôi. Họ đang tiến vào Rafah. Chúng tôi đang ở trong những chiếc lều nylon, có nghĩa là nếu bất kỳ mảnh đạn nào rơi vào đây cũng sẽ đốt cháy toàn bộ chỗ này".

Hoảng loạn và tuyệt vọng, không biết sẽ phải đi đâu, về đâu chính là tâm trạng của người dân Palestine ở Gaza lúc này.

Kế hoạch "Gaza thời hậu chiến" của Israel

Những diễn biến trên thực địa cho thấy là cuộc chiến ở Gaza đang dần đi về đoạn căng thẳng nhất với sức ép từ chiến trường và cả trên bàn đàm phán. Về phía Israel, sau gần 5 tháng chiến tranh, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuần trước đã chính thức trình bày kế hoạch về tương lai của Dải Gaza thời hậu chiến. Một tầm nhìn được nhận định là khác xa với tầm nhìn của quốc tế để đạt được hòa bình ở Gaza.

Ngày 23/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiết lộ kế hoạch Gaza thời hậu chiến. Kế hoạch bao gồm xóa sổ tổ chức Phong trào Hồi giáo Hamas, đóng cửa biên giới phía Nam giáp với Ai Cập, cải tổ hệ thống giáo dục và hành chính dân sự của Gaza. Israel nắm toàn quyền kiểm soát các vấn đề quân sự và dân sự ở dải Gaza. Cũng theo kế hoạch này, Gaza sẽ được quản lý bởi người Palestine do Israel lựa chọn và bổ nhiệm. Tel Aviv cũng bác bỏ mọi mệnh lệnh quốc tế liên quan đến việc "đơn phương công nhận" một nhà nước Palestine và sẽ thiết lập một vùng đệm ở Gaza.

Lối thoát nào cho xung đột ở Dải Gaza? - Ảnh 5.

Thủ tướng Israel Netanyahu (Ảnh: AP)

Chính quyền Palestine tại khu vực Bờ Tây đã chỉ trích gay gắt kế hoạch này đậm sắc thái "chủ nghĩa thực dân" và cho rằng đó là tiền đề cho Israel tiếp tục ý định tái chiếm Gaza.

Ông Nabil Abu Rudeineh - người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas - nói: "Nếu thế giới thực sự quan tâm đến an ninh và ổn định trong khu vực, họ phải chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với đất đai Palestine và công nhận một nhà nước Palestine độc lập".

Ông Osama Hamdan - quan chức cấp cao của Hamas - cho rằng: "Điều này có nghĩa là kế hoạch thực sự của thực thể này là tiếp quản và chia cắt các vùng đất của người Palestine, đồng thời không cho phép người Palestine tự quyết định vận mệnh của mình".

Những bất đồng sâu sắc về tương lai của Gaza cũng dẫn đến xích mích ngày càng công khai giữa Israel và Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Tel Aviv. Washington muốn một chính quyền Palestine cải cách quản lý cả Gaza và Bờ Tây, đồng thời hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine.

Ông John Kirby - cố vấn truyền thông an ninh quốc gia của Nhà Trắng - phân tích: "Không có bất cứ điều gì được công khai trong kế hoạch của Israel về giải pháp hai nhà nước nhưng Tổng thống Biden vẫn cam kết về khả năng đạt được giải pháp hai nhà nước cũng như việc điều đó có thể mang lại lợi ích như thế nào cho toàn bộ khu vực. Chắc chắn là an ninh của Israel sẽ được đảm bảo".

Nhiều đề xuất trong kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu vấp phải phản ứng của các bên liên quan. Ai Cập bác bỏ đề xuất Israel sẽ kiểm soát hoàn toàn biên giới Gaza với Ai Cập. Trong khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố, nếu không có lộ trình rõ ràng hướng tới một nhà nước Palestine độc lập chắc chắn UAE sẽ không tham gia đóng góp vào việc tái thiết Gaza.

Theo các chuyên gia, kế hoạch Gaza thời hậu chiến của Thủ tướng Israel "sẽ không hiệu quả" vì thiếu cả hai điều đảm bảo an ninh cho Israel và triển vọng về một nhà nước Palestine độc lập.

Lối thoát nào cho xung đột ở Dải Gaza? - Ảnh 6.

Những ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel vào thành phố Gaza, ngày 24/10/2023 (Ảnh AP)

Theo giới quan sát tại Trung Đông, lịch sử đã cho thấy không có một nền hòa bình hay an ninh nào có thể đến dưới họng súng. Sau cuộc chiến năm 1967, Israel đã từng thiết lập chế độ kiểm soát an ninh tại Dải Gaza nhưng sự kiểm soát ấy đã không mang lại an ninh cho người Israel. Đến năm 2005, quân đội Israel đã phải rút đi. Lần này cũng không có gì đảm bảo Israel sẽ có thể mang lại an ninh cho mình nếu họ thiết lập lại chế độ kiểm soát quân sự chặt chẽ tại dải Gaza một lần nữa.

Ngoài ra, việc loại bỏ Hamas khỏi Dải Gaza cũng là một khái niệm mơ hồ. Không có tiêu chí gì để phân biệt rõ ràng người Palestine nào tại Dải Gaza là Hamas, còn ai không phải là Hamas. Lịch sử cũng cho thấy chiến thắng trong một cuộc chiến không hề dễ dàng nhưng chiến thắng trong quá trình hậu chiến mới là công việc phức tạp hơn nhiều. Ngay cả khi mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch mà chính phủ Israel đặt ra, cũng không có gì đảm bảo họ sẽ đủ nguồn lực để duy trì kế hoạch ấy trong lâu dài.

Thỏa thuận ngừng bắn lần này nếu đạt được sẽ không phải là lối thoát cuối cùng cho cuộc xung đột Israel - Hamas nhưng đó sẽ là khoảng lặng hòa bình đầy quý giá để các bên liên quan có thể tính toán những bước đi tiếp theo để hạ nhiệt xung đột. Liên hợp quốc luôn nhấn mạnh: "Bất kỳ giải pháp bền vững nào cho hòa bình lâu dài đều phải nằm trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước, chấm dứt việc chiếm đóng và thành lập một quốc gia hoàn toàn độc lập, dân chủ, có chủ quyền và Nhà nước Palestine vững mạnh, trong đó Gaza là một phần không thể thiếu, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Israel thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza Israel thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp về cứu trợ nhân đạo tại Dải Gaza Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp về cứu trợ nhân đạo tại Dải Gaza Israel nhất trí ngừng bắn trong tháng Ramandan Israel nhất trí ngừng bắn trong tháng Ramandan

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước