Rừng nhiệt đới Amazon ở Manaus, bang Amazonas, Brazil, ngày 26/10/2022. (Ảnh: Reuters)
Đây là thông tin do Trung tâm nghiên cứu vũ trụ INPE của Brazil đưa ra.
Theo nghiên cứu của INPE được đăng trên tạp chí Nature, lượng khí thải carbon của rừng Amazon lên tới 0,44 tỷ tấn vào năm 2019 và 0,52 tỷ tấn trong năm 2020, so với mức trung bình hàng năm là 0,24 tỷ tấn trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018.
Nhà nghiên cứu và người đứng đầu nghiên cứu Luciana Gatti cho biết, nghiên cứu này cho rằng sự gia tăng lượng khí thải carbon nói trên phần lớn là do nạn phá rừng tăng mạnh. Cụ thể, nạn phá rừng ở khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đã đạt mức cao nhất trong 12 năm vào năm 2020, với diện tích rừng 11.088 km2 (2,7 triệu mẫu Anh) bị tàn phá.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2023, Tổng thống Brazil Lula da Silva cam kết sẽ chấm dứt nạn phá rừng Amazon vào năm 2030 và xóa bỏ các chính sách của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro, người từng giữ chức Tổng thống Brazil từ năm 2019 đến năm 2022 và đã cắt giảm các nỗ lực bảo vệ môi trường.
Cựu Tổng thống Brazil Bolsonaro, ngày 12/7/2023. (Ảnh: Reuters)
Nghiên cứu cũng cho thấy, số tiền phạt do các cơ quan thực thi Brazil áp dụng đối với hành vi phá rừng trái phép ở Amazon đã giảm một nửa vào năm 2020 so với mức được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2018.
Nghiên cứu dựa trên các mẫu carbon dioxide được thu thập bởi hàng trăm chuyến bay nghiên cứu trong khu vực từ năm 2010 đến năm 2020.
Nạn phá rừng ở Amazon của Brazil trong tháng 7 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất hàng tháng kể từ năm 2017. Dữ liệu INPE cho thấy, 500 km2 (123.000 mẫu Anh) rừng nhiệt đới đã bị chặt phá trong tháng 7, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!