Mắc COVID-19 chủ động - xu hướng chết người cần được loại bỏ

Trang Phan-Thứ bảy, ngày 22/01/2022 06:00 GMT+7

Chủ động mắc COVID-19 là hiểm họa đối với cả người bệnh và hệ thống y tế. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Trong bối cảnh số các ca mắc COVID-19 vẫn còn gia tăng, nhiều người đã cố tình để lây nhiễm COVID-19 với niềm tin khi khỏi bệnh sẽ có lượng kháng thể ở mức siêu miễn dịch.

Chủ động lây nhiễm COVID-19 – chuyện "ngược đời" có thật

Hầu hết mọi người dành hai năm qua để cố gắng tránh COVID-19. Nhưng trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 vẫn còn gia tăng, một số người lại có ý nghĩ rằng "trước sau gì cũng mắc COVID" hoặc "mắc COVID-19 cho xong", nên đã cố tình để lây nhiễm COVID-19, đặc biệt là biến thể Omicron – một biến thể mà khi mắc người bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ. Nghe có vẻ "ngược đời" nhưng đây đã trở thành một xu hướng tai hại tại nhiều nơi trên thế giới. Lý do là những người chủ động bị lây nhiễm COVID-19 tin rằng khi khỏi bệnh cơ thể sẽ tạo được lượng kháng thể ở mức siêu miễn dịch.

Tại Mỹ, cuối tháng 10/2021 vừa qua, người dẫn chương trình nổi tiếng Dennis Prager đã công khai trên phương tiện truyền thông rằng ông mắc COVID-19 do cố tình.  Người dẫn chương trình 73 tuổi của "The Dennis Prager Show" thông báo rằng ông đã xét nghiệm dương tính với COVID-19, sau nhiều tháng tích cực cố gắng lây nhiễm. Ông Prager cho biết: "Tôi đã giao du với những người lạ, thường xuyên ôm họ, chụp ảnh với họ khi biết rằng tôi đang khiến bản thân rất dễ bị nhiễm COVID-19." Trong khi xuất hiện để kể lại câu chuyện khó tin này, ông Prager trông mệt mỏi, ốm yếu và liên tục ho – triệu chứng rõ ràng của căn bệnh đã cướp đi gần 5,6 triệu sinh mạng trên thế giới. Ông Prager là một trong số những người phản đối vắc xin tại Mỹ và nghĩ rằng miễn dịch tự nhiên thì tốt hơn.

Mắc COVID-19 chủ động - xu hướng chết người cần được loại bỏ - Ảnh 1.

Ông Dennis Prager gây xôn xao khi công khai mình chủ động để bị mắc COVID-19. (Ảnh: CNN)

Sau khi mắc bệnh, ông Prager đã phải được điều trị bằng kháng thể đơn dòng và một loạt các liệu pháp điều trị khác, nhiều phương pháp trong số đó chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (CDC) Mỹ phê duyệt. Đó là lý do ông vẫn may mắn sống sót nhưng nhiều người có hành động tương tự thì không.

Câu chuyện của ông Prager đã gây xôn xao dư luận nước Mỹ và trở thành đề tài bàn luận của nhiều bản tin truyền hình. Các chuyên gia cũng lên tiếng về chuyện này. "Đây là một căn bệnh chết người. Chúng tôi không khuyến khích bất cứ ai đi ra ngoài và chủ động để mắc bệnh với niềm tin là mình sẽ vượt qua được nó. Đừng dại dột để phải hối hận với những hậu quả khôn lường.", theo Tiến sỹ K.Jha, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng, Đại học Brown (Mỹ).

Ông Prager là một trong nhiều người đã sử dụng nền tảng của họ để truyền bá thông tin sai lệch về COVID-19. Việc là một người phản đối vắc xin đã khiến ông có hành động tai hại này. 

Tình trạng mắc biến thể Omicron chủ động ngày càng phổ biến

Việc cố tình để mắc Omicron — một biến thể được cho là có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn những biến thể trước đó và có khả năng tạo cho người mắc đã khỏi khả năng chống lại sự tái nhiễm COVID-19 trong tương lai — đã trở nên phổ biến trong những tuần gần đây.

Trên mạng xã hội TikTok, nơi nhiều video gần đây cho thấy mọi người cố tình tự lây nhiễm bệnh tại các câu lạc bộ và bữa tiệc. Những người khác có công việc bận rộn đang sắp xếp thời điểm để lây nhiễm Omicron vào những ngày nghỉ lễ ít ỏi của họ. Một chủ phòng tập thể dục 39 tuổi trả lời phỏng vấn đài ABC của Mỹ trong tuần này rằng anh ta đang cố gắng để nhiễm Omicron. Anh nói: "Thời điểm lây nhiễm vào đầu năm mới rất có ý nghĩa. Hầu hết các khách hàng của tôi cũng đã đi vắng, có nghĩa là tôi có thể giải quyết vấn đề này và sẵn sàng làm việc sau khi tôi bình phục."

Mắc COVID-19 chủ động - xu hướng chết người cần được loại bỏ - Ảnh 2.

Mắc biến thể Omicron chủ động thậm chí trở thành một trào lưu độc hại trên mạng xã hội TikTok. (Ảnh: AP)

Nhưng một nhà khoa học nổi tiếng người Anh lập luận rằng việc để cơ thể mắc biến thể mới là "cực kỳ sai lầm" và lưu ý rằng nó có thể gây ra hậu quả chết người. Tiến sĩ Quinton Fivelman, giám đốc khoa học tại Phòng thí nghiệm Y tế London, Anh nói rằng "cố tình tìm cách lây nhiễm cũng giống như chơi với chất nổ". Trong khi nhiều người tin rằng việc mắc Omicron cũng giống với việc bị cảm lạnh, nhưng "nó có thể nhanh chóng nặng lên thành một căn bệnh đe dọa tính mạng, đặc biệt là đối với những người có các bệnh nền từ trước hay những người chưa tiêm vắc xin COVID-19", ông Fivelman cho biết hôm 20/1. Ông Fivelman đã lấy ví dụ "trường hợp thương tâm" của ca sĩ người CH Séc Hana Horká, người đã tử vong vì COVID-19 hôm thứ Tư sau khi cố tình lây nhiễm vi rút từ con trai cô. Cô ấy chưa được tiêm phòng vào thời điểm bị nhiễm bệnh. Cô ấy đã nói rằng mình cố tình mắc Omicron để sau khi hồi phục sẽ có thẻ thông hành COVID-19 để ra vào các địa điểm âm nhạc.

Nhưng đối với nhiều người đã được tiêm vắc xin đầy đủ, việc chủ động lây nhiễm COVID-19 vẫn diễn ra. Việc lây nhiễm COVID-19 sau khi đã tiêm vắc xin đầy đủ được gọi là "lây nhiễm đột phá".

Chủ động để bị "lây nhiễm đột phá"

Vắc xin COVID-19 có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, bệnh nặng và tử vong. Hầu hết những người bị nhiễm COVID-19 đều chưa được chủng ngừa. Tuy nhiên, vì vắc-xin không có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, một số người được tiêm chủng đầy đủ vẫn sẽ bị nhiễm COVID-19. Tình trạng mắc bệnh của một người đã được tiêm phòng đầy đủ được gọi là "nhiễm trùng đột phá".

Các  triệu chứng  của một trường hợp nhiễm trùng đột phá cũng giống như các trường hợp mắc COVID-19 điển hình. Nhưng do đã được tiêm chủng đầy đủ hay đã tiêm mũi tăng cường, họ ít có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn những người không được tiêm chủng. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ Steven Gordon cho biết: "Nhiều trường hợp đột phá hoặc không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các trường hợp ở bệnh nhân không được tiêm chủng."

Mắc COVID-19 chủ động - xu hướng chết người cần được loại bỏ - Ảnh 3.

Tình trạng một người mắc bệnh sau khi đã được tiêm phòng đầy đủ được gọi là "nhiễm trùng đột phá". (Ảnh: AP)

Chính vì triệu chứng của người đã được tiêm vắc xin COVID-19 khi bị nhiễm trùng đột phá thường nhẹ, nhiều người lợi dụng điều này để cố tình lây nhiễm COVID-19 sau khi đã được tiêm. Họ tin rằng khi khỏi bệnh cơ thể sẽ tạo được siêu miễn dịch. 

Lây nhiễm đột phá nguy hiểm như thế nào?

Tờ Wall Street Journal đăng tải bài viết cho biết người có bệnh lý nền hay người có hệ thống miễn dịch suy giảm là các đối tượng có nguy cơ cao phải nhập viện do lây nhiễm COVID-19 đột phá. Ngoài ra, người cao tuổi cũng là nhóm đối tượng đặc biệt dễ tổn thương với khoảng 80% ca tử vong trong các trường hợp lây nhiễm đột phá là ở những người từ 65 tuổi trở lên. Hồi tháng 9/2021, CDC Mỹ thống kê hơn 10 nghìn người đã phải nhập viện do lây nhiễm COVID-19 đột phá. 2.500 người tử vong do mắc COVID-19 sau khi đã tiêm chủng đầy đủ.

Tác hại khôn lường của việc lây nhiễm chủ động

Những con số thống kê trên đủ để cho thấy việc lây nhiễm chủ động, bất kể là sau khi đã được tiêm đầy đủ vắc xin COVID-19 hay chưa, thì vẫn là một điều hết sức nguy hiểm. Những cảnh báo của các chuyên gia y tế sau đây sẽ là lời cảnh tỉnh đối với những ai có ý định thực hiện hành động này:

Thứ nhất, theo các chuyên gia, không có cách nào để dự đoán mức độ nghiêm trọng của trường hợp COVID-19 sẽ xảy ra sau khi lây nhiễm chủ động. Ngay cả với biến thể Omicron, có triệu chứng ở mức độ nhẹ hơn so với các biến thể khác, nó vẫn sẽ là thảm họa đối với nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm tuổi tác, bệnh nền, người chưa tiêm chủng. Nhiều nước trong đó có Nam Phi, Mỹ, Anh, Israel, Hàn Quốc, Thái Lan đã ghi nhận những ca tử vong do biến thể Omicron. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Mặc dù Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta, nhưng nó vẫn là một loại vi rút nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng."

Thứ hai, mọi sự lây nhiễm đều có thể gây ra hiệu ứng hàng loạt, ảnh hưởng đến những người khác. Việc lây nhiễm COVID-19 dù chỉ với triệu chứng nhẹ cũng có thể gây quá tải hệ thống y tế các nước khi số ca mắc tăng cao. Theo ông Bill Miller, Nhà dịch tễ học Đại học Bang Ohio, Mỹ, khi một người nào đó quyết định để bản thân tiếp xúc và lây nhiễm virus, họ vô tình sẽ khiến những người đó có thể đối mặt với mức độ rủi ro cao hơn bản thân họ. "Bạn có thể tiếp xúc với gia đình, bạn cùng phòng, đồng nghiệp hoặc những người ngẫu nhiên trong cửa hàng tạp hóa. Bạn đã ép buộc quyết định của mình lên người khác và quyết định đó có thể gây ra bệnh nặng hoặc thậm chí tước đi sinh mạng của họ." – theo ông Miller. Chính vì điều này, nhiều nước đã mạnh tay, như Thụy Điển phạt tù tới 5 năm đối với người cố tình lây mắc COVID-19.

Thứ ba, theo giới chuyên gia, tốt nhất là không nên để bị mắc COVID-19 dưới bất kỳ hình thức nào do có thể để lại hội chứng COVID kéo dài với các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, sương mù não, khó thở và nhiều biểu hiện khácNgay cả những trường hợp mắc COVID-19 nhẹ cũng có thể dẫn đến tình trạng COVID kéo dài. Tiến sĩ Laolu Fayanju, Giám đốc y tế khu vực của Oak Street Health ở Ohio (Mỹ) cho rằng: "Mọi người không biết liệu mình có phải là một trong số những người có nguy cơ mắc bệnh với một vài hậu quả COVID kéo dài hay không. Không có lý do gì để cố tình chấp nhận rủi ro đó."

Rủi ro cao hơn so với bất kỳ lợi ích nào bạn có thể gặt hái được cũng là nhận định của hầu hết các chuyên gia y tế về việc cố tình để lây nhiễm COVID-19. Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), vắc xin COVID-19 và mũi tăng cường đã là đủ để cung cấp cho mọi người khả năng được bảo vệ mạnh mẽ. Do đó, việc cố tình lây nhiễm COVID-19 để tăng miễn dịch sẽ là một "sự đánh đổi" không cần thiết đối với bất cứ ai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước