Trẻ em da màu, trẻ em gốc Arab tại Pháp đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử trong lực lượng cảnh sát . (Ảnh minh họa: Reuters)
Đây là nội dung trong báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố vào ngày 18/6.
Vụ việc đang gây bức xúc cho nhiều nhà hoạt động về nhân quyền khi đã nêu ra một "mảng tối" trong giới cảnh sát ở Pháp.
Jamal, 13 tuổi, sống ở Paris, đã 2 lần bị cảnh sát tiến hành "khám xét cơ thể".
Jamal cho biết: "Lần đầu tiên là khi em 9 hay 10 tuổi gì đó, trước một công viên. Em nghĩ điều đó không bình thường. Em cảm thấy sợ".
Trong vòng một năm qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã phỏng vấn 48 trẻ em và 43 người lớn, những người từng có câu chuyện tương tự như của Jamal.
Trong số những câu chuyện nổi bật, bà Benedicte Jeannerod, Giám đốc Tổ chức Theo dõi nhân quyền, nhớ nhất là chuyện của một cậu bé tên Koffi.
Hôm đó, 3 cảnh sát tới trường học của Koffi để kiểm tra danh tính những đứa trẻ.
Bà Benedicte Jeannerod chia sẻ: "Koffi kể lại rằng, cảnh sát đút tay vào túi của em và đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm của em, ngay trước mặt giáo viên. Các giáo viên đã phản đối điều đó và sau đó cảnh sát nói rằng họ có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn".
Có một thực tế là cảnh sát Pháp có quyền hạn rất rộng để thực hiện việc kiểm tra danh tính. Điều đó cho phép nhiều cảnh sát có hành động phân biệt đối xử tùy tiện.
Những vụ việc này hầu hết diễn ra ở tầng lớp lao động, đặc biệt đối với trẻ em da màu, trẻ em gốc Arab.
Phía cảnh sát đã phủ nhận việc phân biệt đối xử theo sắc tộc và cho rằng, chuyện kiểm tra danh tính là bình thường tại những khu vực có tỉ lệ tội phạm cao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Christophe Castaner vào tuần trước đã thừa nhận có những hành vi phân biệt sắc tộc trong lực lượng cảnh sát và khẳng định sẽ "nhổ bỏ tận gốc" tình trạng đáng lo ngại này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!