Đây là báo cáo được công bố hôm 6/9 của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), mang tên "Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2022" .
Theo báo cáo, năm 2022, mật độ khí nhà kính trên toàn cầu ở mức 417,1 ppm, tăng 2,4 ppm so với năm 2021 và cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức cao nhất trong 800.000 năm qua kể từ khi các dữ liệu được thu thập.
Nhiệt độ bề mặt đại dương và mực nước biển trên toàn cầu cũng tăng lên các mức cao nhất trong lịch sử. Theo NOAA, trong 50 năm qua, đại dương đã hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng do khí nhà kính bị giữ lại trong khí quyển.
Hàm lượng nhiệt đại dương trên toàn cầu, tính từ bề mặt đại dương đến độ sâu 2.000 mét, tiếp tục tăng và chạm mốc kỷ lục mới vào năm 2022. Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng năm thứ 11 liên tiếp, đạt mức kỷ lục mới là 101,2 mm so với mức trung bình năm 1993, khi các vệ tinh bắt đầu ghi số liệu.
Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng năm thứ 11 liên tiếp. (Ảnh: CleanTechnica)
Trong khi đó, nhiệt độ trung bình hàng năm trên bề mặt Trái đất cao hơn 0,25 - 0,30°C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020. Điều này đã khiến năm 2022 trở thành một trong 6 năm nóng nhất được ghi nhận kể từ giữa thế kỷ 19.
Năm 2022 cũng là năm nóng nhất trong số những năm xảy ra hiện tượng La Nina vốn làm mát bầu khí quyển, trái ngược với các tác động của chu kỳ nóng lên El Nino.
Báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu" được công bố hàng năm, cung cấp thông tin cập nhật về các chỉ số khí hậu trên Trái đất dựa trên sự đóng góp của hơn 570 nhà khoa học ở hơn 60 quốc gia trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!