Máy bay rơi ở Colombia - Sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần

PV-Chủ nhật, ngày 04/12/2016 06:00 GMT+7

Chiếc máy bay vỡ nát sau khi đâm vào sườn núi. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Máy bay rơi ở Colombia là sự kiện quốc tế được nhiều người quan tâm và theo dõi nhất tuần qua (28/11 – 4/12).

1. Máy bay rơi ở Colombia, 71 người thiệt mạng

Máy bay số hiệu CP2933 của hãng Lamia đã bị rơi tại thị trấn La Union, bang Antioquia, Colombia hôm 28/11.

Nguyên nhân của vụ tai nạn là do máy bay hết nhiên liệu. Cơ quan hàng không dân dụng Colombia cho biết, máy bay trên đang gần hạ cánh xuống sân bay José María Córdova ở thành phố Medellin thì bị rơi do không đủ nhiên liệu. Hiện nhà chức trách đang tiến hành điều tra theo hướng này. Theo quy định, các máy bay cần có dư nguyên liệu để có thể bay ít nhất 30 phút tới đích. Tuy nhiên đáng tiếc trong trường hợp này, máy bay LMI2933 đã không thực hiện đúng yêu cầu.

Truyền thông Colombia đã cho phát sóng một đoạn băng ghi âm trong buồng lái của máy bay gặp nạn, trong đó cho thấy giọng nói hoảng hốt của phi công khi nhận thấy máy bay đang hết nhiên liệu.

Máy bay gặp nạn chở 81 người gồm 72 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn, trong đó có các thành viên đội bóng đá Brazil Chapecoense Real. Vụ tai nạn kinh hoàng đã khiến 71 người thiệt mạng và chỉ có 6 người sống sót, 3 người hiện đang nguy kịch.

2. Tổng thống Hàn Quốc bị kiến nghị luận tội

Ngày 3/12, Các đảng đối lập ở Hàn Quốc đã trình kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye lên Quốc hội với cáo buộc bà đã vi phạm Hiến pháp.

Kiến nghị trên dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp vào ngày 9/12 tới.

Trong bản kiến nghị, các đảng đối lập tuyên bố Tổng thống Park Geun-hye đã vi phạm Hiến pháp cũng như nhiều đạo luật khác, đồng thời nêu rõ bà đã lạm dụng quyền lực mà người dân trao gửi.

Để được thông qua, kiến nghị này cần được ít nhất 200 trong tổng số 300 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, tức là ít nhất phải có được lá phiếu của 28 nghị sĩ đảng Saenuri cầm quyền. Tuy nhiên, những người trung thành với Tổng thống Park Geun-hye trong nội bộ đảng Saenuri đã phản đối kiến nghị luận tội và cho rằng nhà lãnh đạo này nên tự nguyện từ chức vào cuối tháng 4 năm sau.

3. Tổng thống Putin đọc Thông điệp liên bang

Ngày 1/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc bản Thông điệp liên bang.

Giống như mọi năm, Thông điệp liên bang luôn thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, bởi nó đề cập tình hình trong nước và xác định đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Nga trong những năm tới.

Đây là thông điệp liên bang thứ 23 trong lịch sử hiện đại nước Nga và là thông điệp thứ 13 của ông Putin.

Thông điệp của Tổng thống Nga năm nay được đặc biệt chú ý trong bối cảnh tình hình quốc tế và nước Nga có nhiều biến động. Bởi vậy, ngay từ đầu bản Thông điệp, ông Putin nêu rõ nước Nga đối mặt với nhiều khó khăn và vấn đề, song vẫn có thể tin tưởng rằng, khi người Nga đoàn kết sẽ có thể vượt qua được thách thức hiện tại.

4. Nhật Bản, Hàn Quốc trừng phạt Triều Tiên

Ngày 2/12, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử hạt nhân hồi tháng 9.

Phát biểu với báo giới, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản sẽ mở rộng danh sách những người bị cấm nhập cảnh trở lại Nhật Bản sau khi đã đến thăm Triều Tiên. Ông Suga cũng cho biết Nhật Bản sẽ cấm tất cả tàu chở hàng từng cập cảng ở Triều Tiên. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đóng băng tài sản của tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, ngoài việc cắt giảm một nửa sản lượng xuất khẩu than sang Triều Tiên, nước này cũng mở rộng danh sách trừng phạt những cá nhân và tổ chức hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng mở rộng thời hạn cấm tàu nước ngoài cập cảng Hàn Quốc sau khi đến Triều Tiên trong vòng 1 năm.

5. Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Iran thêm 10 năm

Với 99 phiếu thuận và không có phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã gia hạn Đạo luật Trừng phạt Iran. Theo đó, các biện pháp trừng phạt hiện tại nhằm vào Iran sẽ thêm 10 năm.

Dự luật này được trình lên Tổng thống Mỹ Barack Obama để ký ban hành thành luật và sẽ trì hoãn mọi hành động cứng rắn hơn cho đến năm 2017.

Đạo luật Trừng phạt Iran được thông qua lần đầu vào năm 1996 để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng Iran và răn đe việc Tehran theo đuổi tham vọng hạt nhân. Đạo luật này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay nếu không được gia hạn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước