Mikhail Mishustin – Nhà kỹ trị trở thành thủ tướng Nga

Thanh Hiệp - Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 22/01/2020 10:07 GMT+7

(Ảnh: Russian Federal Tax Service/112.international)

VTV.vn - Một kịch bản bất ngờ đã tới với chính trường nước Nga ngay trong tháng đầu năm mới, khi Thủ tướng Dmitry Medvedev và toàn bộ Chính phủ Nga từ chức.

Ngay sau đó, Tổng thống Vladimir Putin đã đề cử ông Mikhail Mishustin - một nhân vật mà cho đến gần đây, vẫn còn khá xa lạ với ngay cả chính nhiều người dân Nga vào vị trí đứng đầu chính phủ. Đâu là lý do khiến ông Mishustin trở thành "người được chọn"?

Nhân vật "vô danh" trên chính trường Nga

Theo CNN, không chỉ riêng phương Tây, ngay cả nhiều người dân Nga khi thức dậy vào sáng thứ 4 (15/01), vẫn còn chưa biết Mikhail Mishutin là ai. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia khi đó thậm chí còn chưa có phiên bản tiếng Anh về nhân vật này. Thế nhưng, chỉ đến tối, gương mặt còn khá lạ lẫm này đã trở thành Thủ tướng của nước Nga.

Mikhail Mishustin – Nhà kỹ trị trở thành thủ tướng Nga - Ảnh 1.

Mikhail Vladimirovich Mishustin sinh năm 1966 tại Mát-xcơ-va. Ông từng theo học chuyên ngành kỹ sư hệ thống máy tính tại Viện Công cụ máy móc Mát-xcơ-va (nay là Đại học Công nghệ Mát-xcơ-va "Stankin", và cũng lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại đây. Trong suốt thập niên 1990, ông làm việc tại Câu lạc bộ Máy tính Quốc tế và đứng đầu Hội đồng quản trị của Tổ chức này.

Mikhail Mishustin – Nhà kỹ trị trở thành thủ tướng Nga - Ảnh 2.

Năm 1998, Mishustin chuyển tới công tác tại cơ quan nhà nước và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực thuế. Mishustin sau đó tham gia giám sát các đặc khu kinh tế đầu tiên tại Nga, và trở thành lãnh đạo Cơ quan Địa chính liên bang vào đầu những năm 2000. Năm 2008, ông rời khỏi lĩnh vực nhà nước, chuyển sang làm việc cho một công ty đầu tư. Tạp chí Forbes ước tính, Mishustin đã có khoản thu nhập khoảng 78 triệu rúp, tương đương 2 triệu USD vào năm 2009.

Tuy nhiên, đến năm 2010, Mishustin quay trở lại bộ máy nhà nước, để trở thành lãnh đạo cơ quan Thuế liên bang Nga, và đồng thời lọt vào nhóm nhân sự nguồn của Tổng thống Putin. Kể từ đây, sự nghiệp chưa có gì quá nổi bật của Mishustin bắt đầu cất cánh.

"Cán bộ thuế của tương lai"

Mặc dù vẫn còn khá vô danh trên chính trường, ông Mishutin lại được giới kinh doanh biết đến với tư cách là một trong những nhà kỹ trị hiệu quả bậc nhất tại Nga, nhờ những kinh nghiệm và kiến thức trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn công nghệ. Trong quãng thời gian đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục thuế Liên bang Nga (2010 – nay), ông Mishustin được ghi nhận nhờ những đóng góp trong việc hợp lý hóa công việc của hệ thống cơ quan thuế trên toàn quốc. Những nỗ lực của ông gần như đã tạo ra cuộc đại cải tổ trong ngành Thuế Nga, giúp đơn giản hóa thủ tục khai và nộp thuế. Phương pháp của Mishustin được gọi là hệ thống "Một cửa", cắt giảm giấy tờ bằng cách số hóa nhiều quy trình và xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất. Không chỉ người dân được hưởng lợi, các khoản thu ngân sách của Chính phủ Nga cũng vì thế mà gia tăng nhanh chóng. Thành công này đã khiến Thời báo kinh tế của Anh gọi ông bằng biệt danh "Cán bộ thuế của tương lai".

Mikhail Mishustin – Nhà kỹ trị trở thành thủ tướng Nga - Ảnh 3.

Vyachslav Fetisov, cựu huyền thoại môn khúc côn cầu Nga và giờ là một chính trị gia nhận xét "Mishustin hiểu biết về công nghệ hơn bất cứ ai và chính hiểu biết đó giúp ông có thể sử dụng máy móc vào giải quyết các vấn đề". Cũng theo ông Fetisov, Mishustin là người "rất trách nhiệm và có tư duy hệ thống, thứ phẩm chất rất quan trọng ngày nay".

Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin đánh giá, ông Mishustin đã tạo dựng danh tiếng cho chính mình, bằng việc tạo ra một Cục thuế Liên bang công nghệ cao, tận dụng các công nghệ tiên tiến và nền kinh tế kỹ thuật số. Ông cũng bình luận thêm rằng, "sự cởi mở và năng động" là những phẩm chất tốt nhất của vị tân Thủ tướng, bên cạnh những hiểu biết sâu rộng về tình hình đang diễn ra tại nhiều khu vực ở Nga.

Lựa chọn phù hợp cho vị trí Thủ tướng Nga

Trang Foreign Policy đánh giá, với bề dày kinh nghiệm về kỹ trị, Mishustin hoàn toàn phù hợp để đứng lên ở chính nơi mà người tiền nhiệm Medvedev đã thất bại: triển khai các dự án quốc gia của Kremlin, bao gồm kế hoạch chi tiêu công và đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 400 tỷ USD mà Tổng thống Putin đã đề ra sau khi tái đắc cử hồi năm 2018. Trên thực tế, chính quyền của Thủ tướng Medvedev đã không thành công trong việc triển khai hiệu quả các biện pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và khuyến khích tăng dân số - vốn được coi là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Putin. Danh tiếng và kinh nghiệm của ông Mishustin được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi tình trạng này, cải tổ bộ máy quan liêu và nâng cao hiệu quả của các dự án quốc gia.

Mikhail Mishustin – Nhà kỹ trị trở thành thủ tướng Nga - Ảnh 4.

Mặc dù đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất do giá dầu thấp và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thu nhập khả dụng tại Nga hiện vẫn thấp hơn so với mức của năm 2013, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân vào chính phủ. Việc thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao mức sống của người dân là điều rất cấp thiết với chính quyền Tổng thống Putin, trước thời điểm chuyển giao quyền lực vào năm 2024. Do đó theo trang Foreign Policy, việc lựa chọn một vị Thủ tướng không có quá nhiều quan hệ với giới chính trị tại Nga, cũng cho thấy quyết tâm của ông Putin trong biến các cam kết kinh tế đưa ra tranh cử Tổng thống thành hiện thực. Ông Andrei Kolesnikov – chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Carnegie Mát-xcơ-va nhận định, Tổng thống Putin đang dựa vào Mishustin để hiện đại hóa nền kinh tế Nga, bằng việc xây dựng "một quốc gia theo mô hình Cục Thuế Liên bang: với các báo cáo, hoạt động thanh tra, tài sản được đảm bảo, và khi cần thiết, tiến hành số hóa toàn bộ nền kinh tế."

Những ưu tiên trước mắt của tân Thủ tướng Nga

Phát biểu trước các đại biểu Duma Quốc gia, ông Mishustin đã vạch ra thứ tự ưu tiên như sau: "Trước tiên là quan tâm đến trẻ em, các gia đình, tăng sự thịnh vượng và nâng cao chất lượng cuộc sống". Bên cạnh đó, tân thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt nhiệm vụ chủ chốt khác như nâng cấp công nghệ và chú trọng tài chính trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tăng sản lượng các sản phẩm dân sự công nghệ cao…

Ông Mishustin nói rằng "chính phủ có mọi tiềm lực và tài chính" cho các dự định này, nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô và ngân sách thặng dư. Ông ước tính để hiện thực hóa các mục tiêu trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin, chính phủ Nga cần tới 4.000 tỷ rúp trong 4 năm, riêng năm nay cần 450 tỷ rúp, theo RIA Novosti. Bên cạnh đó, ông Mishustin cũng đặt mục tiêu duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách và giữ lạm phát dưới 4%.

Mikhail Mishustin – Nhà kỹ trị trở thành thủ tướng Nga - Ảnh 5.

Tân thủ tướng cho rằng cần xây dựng cơ chế bảo vệ doanh nghiệp và doanh nhân, cải thiện môi trường kinh doanh, loại bỏ các rào cản hành chính rườm rà cũng như tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát. Chính phủ sẽ hỗ trợ ngân hàng Nga trong việc cung cấp các khoản vay dài hạn để thúc đẩy đầu tư.

Một mục tiêu nữa của ông Mishustin làm hài lòng giới chuyên gia là đạt bước đột phá thực sự trong việc số hóa nền kinh tế Nga với việc áp dụng các công nghệ tiên tiến. Theo DW, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Kommersant hồi năm ngoái, ông Mishustin khẳng định rằng nước Nga cần áp dụng trí tuệ nhân tạo và kinh tế số bởi "nếu chúng ta không hiểu thế giới này đang vận hành như thế nào, quy luật của nó ra sao, nếu chúng ta cứ khăng khăng bám víu lấy trật tự cũ, chúng ta sẽ trở thành một nạn nhân của thế giới mới."

Sự thay thế tạm thời hay người kế vị dài lâu?

Việc ông Mishustin bất ngờ trở thành Thủ tướng Nga, khiến nhiều người không khỏi liên tưởng đến cái ngày mà cố Tổng thống Boris Eltsin đề bạt một người tên Vladimir Putin (khi ấy cũng khá vô danh) lên thay mình cách đây đúng 20 năm, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử chính trường Nga, cũng như với chính bản thân ông Putin. Một số người khác lại so sánh cách Mishustin bước ra ánh sáng gần giống với cách ông Putin rời ghế tổng thống năm 2008 để trở thành thủ tướng dưới thời Medvedev và Medvedev sau đó làm thủ tướng khi ông Putin đắc cử nhiệm kỳ thứ ba năm 2012.

Mikhail Mishustin – Nhà kỹ trị trở thành thủ tướng Nga - Ảnh 6.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để xác định xem liệu đây sẽ là một sự thay thế mang tính tạm thời hay là một lựa chọn mang tính dài hạn, đặc biệt là khi xét tới sự thiếu hụt kinh nghiệm về chính trường của tân Thủ tướng Nga. "Mishustin không có bất kỳ kinh nghiệm chính trị nào, không phải là gương mặt phổ biến với cử tri và cũng không nằm trong nhóm cộng sự thân thiết của Putin" - nhà bình luận Tatiana Stanovaya của Trung tâm Carnegie Mát-xcơ-va nhận xét. Chuyên gia này cho rằng khả năng Mishustin tham gia tranh cử tổng thống năm 2024 là rất nhỏ. Thay vào đó, việc ông đảm nhận công việc đứng đầu Chính phủ Nga chủ yếu bởi ông là một nhà kỹ trị - tức là được chọn vì khả năng chuyên môn đặc biệt là về kinh tế thay vì tính toán chính trị.

Chuyên gia phân tích chính trị Ekaterina Schulmann cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng ông Mishustin sẽ trở thành người kế nhiệm Tổng thống Putin khi cho rằng vị Tân Thủ tướng Nga là một nhân vật "trung lập". Ông Dmitri Trenin – Giám đốc Trung tâm Carnegie Mát-xcơ-va nhận định, việc lựa chọn Thủ tướng Mishustin chủ yếu nhằm tạo ra một "giới lãnh đạo có năng lực hơn".

Nguồn: RT, Financial Times, France 24, DW, The Foreign Policy, CNN

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước