Ở Đại Tây Dương, bão Beryl hình thành vào ngày 30/6 và sau 1 ngày đã mạnh lên cấp siêu bão cấp 5 với sức gió lên tới 260 km/h, trở thành siêu bão xuất hiện sớm nhất trong lịch sử.
Tổ chức khí tượng thế giới cảnh báo siêu bão Beryl với cường độ tăng cấp chưa từng thấy có thể là dấu hiệu cho một mùa bão rất nguy hiểm trên Đại Tây Dương.
Siêu bão Beryl quét qua bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AP)
Còn phía Tây Bắc Thái Bình Dương, siêu bão Gaemi là cơn bão mạnh nhất quét qua Đài Loan (Trung Quốc) trong 8 năm qua. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên trước đường đi của bão Gaemi, khi nó rập rình trên biển rồi bất ngờ tăng tốc đổ bộ vào đất liền mà vẫn duy trì được cường độ lớn. Sau khi đi qua Đài Loan với sức gió kỷ lục 227 km/h, hôm 25/7, siêu bão Gaemi đã đổ bộ vào phía Đông Nam Trung Quốc, cường độ vẫn rất mạnh, là cấp 12.
Các nhà khoa học cho rằng, nhiệt độ mặt nước biển ấm bất thường, cộng với điều kiện chuyển pha từ El Nino sang La Nina là các yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của các siêu bão này.
Ngoài bão, mưa lũ cũng đang hoành hành và gây thiệt hại tại nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Lượng mưa trung bình toàn quốc cao hơn so với mức trung bình, với 30 trạm thời tiết ghi nhận lượng mưa cao kỷ lục. Các nhà chức trách cho biết đã ban hành 3.683 cảnh báo lũ trên sông và 81 cảnh báo thảm họa lũ lụt. Gần 5.000 hồ chứa đã phải xả tổng cộng 99 tỷ m3 nước lũ để ngăn nguy cơ hơn 6,5 triệu người phải sơ tán.
Cuối tháng 7 vừa qua, mưa lớn, lũ lụt kỷ lục trên diện rộng đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở Đông Bắc Nhật Bản. Đây là đợt mưa lũ chưa từng có trong suốt 100 năm qua tại Nhật Bản. Nhiều tuyến đê bị vỡ gây ngập lụt nghiêm trọng tại các khu dân cư, trong đó có nơi bị ngập tới 5,7 mét. Một số đường giao thông trọng yếu bị sạt lở làm tê liệt giao thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!