Dỡ lô hàng viện trợ quân sự của Mỹ tại sân bay Boryspil bên ngoài Kiev, Ukraine, ngày 11/2/2022. (Ảnh minh họa: AP)
Tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima (Nhật Bản), Tổng thống Biden nêu rõ, gói viện trợ quân sự này sẽ bao gồm đạn dược, pháo binh, phương tiện thiết giáp và các chương trình đào tạo, huấn luyện.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với chương trình huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16. Chương trình này do Mỹ phối hợp thực hiện với các quốc gia đồng minh và đối tác.
Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters cho hay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các loại đạn bổ sung cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, hôm 9/5, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 1,3 tỷ USD, bao gồm hệ thống phòng không, pháo thông thường và đạn chống UAV, dịch vụ hình ảnh vệ tinh và tiền cho huấn luyện quân sự.
Trong gói viện trợ này, Ukraine cũng sẽ được tiếp nhận công nghệ cho phép tích hợp các bệ phóng, tên lửa và radar phòng không vào hệ thống phòng không của Ukraine.
Ngoài ra, Mỹ đã viện trợ nhiều tỷ vũ khí cho Ukraine thông qua Quyền rút vốn của Tổng thống Mỹ, mà theo đó Tổng thống Mỹ có thể chuyển thẳng thiết bị và dịch vụ cho Ukraine từ kho vũ khí Mỹ mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội trong tình huống khẩn cấp.
Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các khoản viện trợ quân sự có tổng trị giá 37 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!