Mỹ củng cố chiến lược cơ bản, lâu dài ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 31/07/2024 08:00 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du lần thứ 18 đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi đảm trách cương vị này cách đây 3,5 năm.

Chuyến đi này dự kiến kéo dài 10 ngày và cũng là chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất cho đến nay của ông Blinken, với lịch trình dày đặc ở Lào, Việt Nam, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Mông Cổ. Chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương của ông Blinken được cho là nhằm củng cố quan hệ với các nước liên minh.

MỸ CỦNG CỐ LIÊN MINH TẠI CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm 30/7 đã tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Điện Malacanang. Tổng thống Philippines Marcos nhấn mạnh những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa Manila và Washington là cần thiết để đảm bảo khả năng phản ứng linh hoạt trước căng thẳng ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói: "Tôi rất vui mừng vì các đường dây liên lạc luôn mở. Tất cả những gì chúng ta đang làm cùng nhau, liên minh của chúng ta, tình hình tại Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều được liên tục xem xét để chúng ta có thể phản ứng linh hoạt".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu: "Hôm nay là một ngày lịch sử. Đây là lần đầu tiên Philippines tổ chức cuộc gặp "2+2" giữa chúng ta. Đây là bằng chứng cho thấy nhịp độ giao lưu cấp cao đều đặn của hai nước, bao gồm toàn bộ các vấn đề và cơ hội đưa chúng ta xích lại gần nhau, không chỉ về an ninh mà còn về kinh tế".

Cuộc họp tại Manila diễn ra sau các cuộc thảo luận giữa ông Blinken và ông Austin tại Nhật Bản - một đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Á. Hai bên đã công bố nâng cấp Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật Bản.

Mỹ củng cố chiến lược cơ bản, lâu dài ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ đã gặp những người đồng cấp Australia, Ấn Độ và Nhật Bản - những nước thuộc Bộ tứ kim cương (QUAD). Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế đối với duy trì trật tự hàng hải, trong đó có khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc gây áp lực.

Trước đó, tại Lào, ông Blinken đã tham dự các cuộc họp ASEAN và hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Hai hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận cởi mở và mang tính xây dựng về các vấn đề song phương, đa phương và toàn cầu.

NGOẠI TRƯỞNG MỸ THÚC ĐẨY HỢP TÁC AN NINH VỚI CHÂU Á

Chuyến thăm châu Á lần này thể hiện cam kết của Mỹ trong việc duy trì và thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Các cam kết cụ thể về hợp tác với từng nước sẽ được công bố sau mỗi chặng dừng chân tại từng nước. Tuy nhiên, Mỹ dường như muốn gửi đi thông điệp cho dù bối cảnh chính trị ở nước này như thế nào thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Washington trong khu vực, ít nhất cho đến khi Tổng thống Joe Biden vẫn còn tại nhiệm.

Chuyến đi cũng là nhằm giải tỏa những lo ngại từ các đồng minh của Mỹ trong khu vực về tương lai chính sách châu Á của Mỹ và những tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới chính sách này. Nó cũng báo hiệu cho các nước sự quan tâm của Mỹ trước các mối đe dọa về an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương - bao gồm cả những lo ngại trước các bất ổn về tương lai cấu trúc an ninh trong khu vực - và nhu cầu cần tăng cường hợp tác để có chính sách phù hợp, cũng như ứng phó nhanh nhạy trước các vấn đề phức tạp có thể xảy ra.

Mỹ củng cố chiến lược cơ bản, lâu dài ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Chính giới Nhật Bản đánh giá chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin đến châu Á đã mang lại nhiều kết quả rất quan trọng không chỉ đối với Nhật Bản mà còn cả khu vực. Trong đó có những quyết định mang tính lịch sử như cải tổ lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, đồng thời củng cố niềm tin của Nhật Bản đối với quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Bên cạnh đó, kết quả Hội nghị Ngoại trưởng bộ tứ Nhật Bản - Mỹ - Ấn Độ - Australia đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng tác động mạnh mẽ đến khu vực châu Á.

Ngoài những kết quả tích cực, giới chuyên gia Nhật Bản lo ngại chuyến đi này của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đang ở giai đoạn cuối của chính quyền Biden và những kết quả của chuyến đi này có thể bị hạn chế đáng kể, thậm chí không còn gì nếu một chính quyền mới lên cầm quyền tại Mỹ như chính quyền của cựu Tổng thống Trump. Ngoài ra, chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Mỹ cũng nhận được phản ứng từ các nước như Nga, Trung Quốc.

Bằng việc tới thăm một loạt các quốc gia nằm gần Trung Quốc, chuyến đi này nhằm báo hiệu cho các đồng minh của Mỹ rằng Tổng thống Joe Biden "quan tâm" đến các mối lo ngại về an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt lo ngại bất ổn về tương lai cấu trúc an ninh khu vực sau việc ông Biden kết thúc chiến dịch tái tranh cử. Tuy nhiên, cho dù người đứng đầu Nhà Trắng sắp tới là ai thì có lẽ cũng không thay đổi cốt lõi lợi ích chiến lược cơ bản, lâu dài của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ nhấn mạnh cam kết hợp tác với Philippines Mỹ nhấn mạnh cam kết hợp tác với Philippines

VTV.vn - Hôm nay (30/7), tại thủ đô Manila của Philippines đã diễn ra đối thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ và Philippines.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước