Cuộc hội đàm diễn ra khi Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ Ấn Độ trong việc gây áp lực lên Nga trong vấn đề cuộc xung đột Ukraine.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Mỹ và Ấn Độ. Mỹ đề nghị Ấn Độ cần thể hiện đường lối cứng rắn hơn với Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine. Đến nay, Ấn Độ vẫn giữ thái độ trung lập nhằm cân bằng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây bằng cách từ chối trực tiếp lên án Nga về cuộc xung đột Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ về cách thức quản lý các tác động gây mất ổn định do cuộc chiến gây ra".
Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết nhiều lần đã đề nghị với lãnh đạo của Nga và Ukraine đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, cho rằng tình hình Ukraine hiện nay là "rất đáng lo ngại".
Tổng thống Joe Biden gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, ngày 24/9/2021, ở Washington, Mỹ. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu: "Tôi không chỉ kêu gọi hoà bình mà còn đề nghị có các cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh cho người dân Ukraine và việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo mà không bị cản trở".
Bất chấp các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và phương Tây, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu của Nga từ cuối tháng 2. Khoảng 46% vũ khí của Ấn Độ nhập khẩu từ Nga. Ấn Độ cũng nhiều lần bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết lên án Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Không thể phủ nhận mối quan hệ truyền thống lịch sử lâu đời giữa Nga và Ấn Độ. Mỹ hiện đang cố gắng thuyết phục Ấn Độ thay đổi, cho rằng Mỹ và phương Tây sẵn sàng là "đối tác quốc phòng an ninh" mạnh mẽ của Ấn Độ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khó có thể lay chuyển lập trường trung lập vốn luôn nhất quán và có nguyên tắc hiện nay của Ấn Độ dù sức nóng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa giảm nhiệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!