Hàng ngày sẽ có nhân viên y tế gọi điện để kiểm tra tình hình sức khỏe, hoặc bệnh nhân tự điền vào một biểu mẫu có sẵn để gửi cho các cơ sở y tế.
Biểu mẫu này chủ yếu để kiểm tra một số triệu chứng của COVID-19 có thể xuất hiện ở bệnh nhân như sốt, mệt mỏi, ho, khó thở… Các triệu chứng này sẽ được theo dõi chặt, qua đó nếu không may diễn tiến nặng, bệnh nhân sẽ được chuyển tới các cơ sở y tế. Sau 14 ngày, nếu tình trạng sức khỏe ổn định, người bệnh sẽ tự động được coi là khỏi bệnh và có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, tất cả những người từng tiếp xúc với F0 cũng phải tuân theo những quy trình tương tự.
Thuốc được cấp cho các F0 rất đơn giản, chỉ có vitamin C, thuốc hạ sốt và chống nhức mỏi. Tuy nhiên, hiện đang diễn ra tình trạng một số người dân trong nước có thân nhân tại Mỹ từng là F0 lại nhầm tưởng những loại thuốc này là thuốc điều trị COVID-19 nên đã nhờ đặt hàng chuyển về Việt Nam. Việc này gây tốn kém chi phí và việc dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sỹ cũng có thể gây ra nguy hiểm.
Tất cả các F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng tại Mỹ đều tự cách ly tại nhà. (Ảnh: AP)
Theo chuyên gia y tế Mỹ, các quy định cách ly F0 tại nhà cũng tương tự như hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam gồm phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với các đồ vật dùng chung với người bệnh. Tuy nhiên, có một điều mà không phải ai cũng để ý, đó là phải đảm bảo cho không khí trong nhà được thông thoáng bằng cách mở cửa sổ hoặc hệ thống thông gió.
Và có một vấn đề khác ngoài nội dung câu hỏi nhưng được các chuyên gia y tế Mỹ đặc biệt nhấn mạnh, theo đó nếu không may trở thành F0 hay F1, người dân phải hết sức bình tĩnh để có thể tự chăm sóc bản thân, tiếp cận các thông tin chính thống và lắng nghe hướng dẫn của nhân viên y tế. Để những F0 hay F1 bình tĩnh, thái độ và sự hỗ trợ tinh thần từ những người xung quanh là điều rất quan trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!